Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Nghị định trên quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường gồm: Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; điều kiện về năng lực của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước; điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước; điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản; điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải; điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm thuộc loại 6 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP, khoản 1 Điều 22 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP; điều kiện cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Điều kiện cấp giấy phép khoan nước dưới đất
Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có đủ các điều kiện sau: 1- Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp; 2- Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định này; 3- Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp đáp ứng quy định.
Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất gồm: Quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn.
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất ở quy mô nào thì được phép hành nghề ở quy mô đó và các quy mô nhỏ hơn; được hành nghề khoan, lắp đặt các lỗ khoan, giếng khoan thăm dò, khai thác, điều tra, khảo sát để phục vụ mục đích khai thác, nghiên cứu, đánh giá, quan trắc nước dưới đất, có đường kính tương đương với quy mô hành nghề.
Năng lực tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước
Về năng lực đối với tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước, Nghị định quy định tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước phải có một trong các loại giấy tờ sau: 1- Quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước và các hoạt động khác về tài nguyên nước; 2- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, tổ chức đó phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo đáp ứng điều kiện quy định; có máy móc, thiết bị chuyên dùng đáp ứng quy định.
Theo chinhphu.vn