Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 66/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 66/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Theo đó, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước gồm: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.
Nơi có hoạt động khai thác khoáng sản là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện.
Công khai số nộp phí bảo vệ môi trường để người dân biết
Thông tư nêu rõ chậm nhất là trước ngày 31/3 hằng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm thông tin công khai: số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo địa phương, đài phát thanh địa phương, đài truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.
Cũng theo Thông tư, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên. Trường hợp trong tháng không phát sinh phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, người nộp phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai nộp phí với cơ quan Thuế. Trường hợp tổ chức thu mua gom khoáng sản phải đăng ký nộp thay người khai thác thì tổ chức đó có trách nhiệm nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý cơ sở thu mua khoáng sản. Thời hạn kê khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo. Người nộp phí phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.
Địa điểm kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than là Cục thuế địa phương nơi người nộp phí đặt văn phòng điều hành chính.
Các trường hợp sau đây được áp dụng mức thu phí đối với khai thác khoáng sản tận thu theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 12/2016/NĐ-CP: Hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ; Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản (ví dụ thu được cát trong quá trình nạo vét lòng sông, cảng biển; thu được đất, đá trong quá trình xây dựng các công trình thuỷ điện, giao thông).
Các trường hợp khác không thuộc quy định trên thì không được áp dụng theo mức phí đối với khai thác khoáng sản tận thu.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 13/6/2016.
Theo chinhphu.vn