Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Thông tư liên tịch 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước.
Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Thông tư liên tịch 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước.
Theo đó, các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có).
Theo nguyên tắc, việc xét miễn, giảm thi hành án phải được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thời hạn và các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật có liên quan. Người được xét miễn, giảm thi hành án không phải nộp chi phí liên quan đến việc xét miễn, giảm. Chi phí cho việc xét miễn, giảm thi hành án được lấy từ kinh phí hoạt động của cơ quan thực hiện việc miễn, giảm thi hành án.
Điều kiện xét miễn, giảm thi hành án
Thông tư nêu rõ, điều kiện xét miễn, giảm thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể, thi hành được một phần khoản thu, nộp ngân sách nhà nước quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 hoặc một phần án phí quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự là đã thi hành được ít nhất bằng 1/50 khoản thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc khoản án phí phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp người đã được giảm một phần hình phạt tiền mà lại phạm tội mới thì chỉ xét giảm tiếp khi đã thi hành được một phần hình phạt tiền chung theo quy định của Bộ luật Hình sự về giảm mức hình phạt tiền đã tuyên.
Việc miễn phần án phí, tiền phạt còn lại quy định tại Khoản 4 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự được thực hiện khi người phải thi hành án có đủ các điều kiện sau: a) Đã tích cực thi hành được một phần án phí quy định; thi hành được một phần tiền phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự về miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại; b) Lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài hoặc lập công lớn.
Thi hành quyết định của Tòa án
Căn cứ quyết định có hiệu lực của Tòa án về việc miễn thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án. Trường hợp Tòa án quyết định cho giảm một phần nghĩa vụ thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục thi hành đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước còn lại.
Trường hợp Tòa án quyết định không miễn, giảm khoản thu, nộp ngân sách nhà nước thì cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thi hành theo quy định.
Thông tư cũng quy định cụ thể về thủ tục đề nghị và xét miễn, giảm thi hành án gồm: Xác minh điều kiện để xét miễn, giảm thi hành án; lập hồ sơ đề nghị; kiểm sát hồ sơ đề nghị; thủ tục đề nghị xét miễn, giảm thi hành án; thủ tục xét miễn, giảm thi hành án; kháng nghị quyết định của Tòa án về miễn, giảm thi hành án...
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2015 và thay thế Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC.
Theo chinhphu.vn