11:11, 27/11/2014

Điều kiện nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Theo đó, việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được phép hoạt động theo quy định.


Bên cạnh đó, tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải thuộc các trường hợp quy định; người nhập khẩu tàu phải có bản kê khai danh mục vật liệu trên tàu theo mẫu quy định; tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại.


Tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày đưa tàu vào cơ sở phá dỡ.


Tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải.


Các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ


Theo Nghị định, doanh nghiệp phá dỡ tàu biển có đủ 3 điều kiện sau đây được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ:


1- Có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.


2- Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu; pháp luật hàng hải; an toàn lao động và bảo vệ môi trường.


3- Có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam.


Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực thực hiện trong 5 năm kể từ ngày cấp.


Nghị định cũng quy định các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ gồm: Tàu chở hàng khô (hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép); tàu công-ten-nơ; tàu chở quặng; tàu chở hàng lỏng (dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật); tàu chở gas, khí hóa lỏng; tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển; giàn khoan nổi; giàn khoan tự nâng; tàu chứa nổi; phương tiện chứa nổi và chuyển tải sản phẩm; các loại tàu biển khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.


Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/1/2015.


Theo chinhphu.vn