09:10, 11/10/2014

Hướng dẫn thực hiện cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 29/2014/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn theo quy định tại Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 29/2014/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn theo quy định tại Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Theo đó, đối tượng áp dụng là ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (gọi là bên cho vay); các doanh nghiệp là đối tượng được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh vay vốn thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ) theo quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi là khách hàng); Ngân hàng Phát triển và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Quy chế bảo lãnh.
Thông tư hướng dẫn, bên cho vay xem xét, quyết định cho vay các dự án của khách hàng được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh theo quy định pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và quy định của Thông tư.


Trước khi ký hợp đồng tín dụng, ngân hàng thương mại phải ký văn bản Thỏa thuận phối hợp với Ngân hàng Phát triển để thống nhất các nội dung liên quan đến quá trình cho vay có bảo lãnh.


Nếu khoản vay được Ngân hàng Phát triển thực hiện bảo lãnh thì bên cho vay sẽ xác lập cho khách hàng thông báo về việc chấp thuận cho vay.


Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi bên cho vay nhận được bản gốc chứng thư bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển phát hành, bên cho vay xem xét thực hiện ký hợp đồng tín dụng với khách hàng nếu nội dung của chứng thư bảo lãnh phù hợp với nội dung văn bản thông báo chấp thuận cho vay; thông báo bằng văn bản cho khách hàng và Ngân hàng Phát triển trong trường hợp không đồng ý ký hợp đồng tín dụng, trong đó nêu rõ lý do từ chối ký hợp đồng tín dụng, đồng thời hoàn trả bản gốc chứng thư bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển.


Ngân hàng Phát triển thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh


Thông tư cũng quy định, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên cho vay theo đúng quy định tại chứng thư bảo lãnh và quy định pháp luật liên quan đến khoản bảo lãnh.


Bên cho vay và Ngân hàng Phát triển thỏa thuận cụ thể bằng văn bản các trường hợp Ngân hàng Phát triển được từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Quy chế bảo lãnh theo nguyên tắc: Ngân hàng Phát triển được từ chối thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh khi bên cho vay giải ngân một phần hoặc toàn bộ vốn vay không đúng mục đích.


Trường hợp bên cho vay giải ngân vốn vay đúng mục đích nhưng không thực hiện đúng việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay đối với khách hàng dẫn đến khách hàng sử dụng không đúng mục đích thì Ngân hàng Phát triển chỉ được từ chối trả thay số tiền tương ứng với phần vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay mà khách hàng sử dụng sai mục đích...


Ngoài ra, về chuyển giao tài sản bảo đảm, Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Phát triển và khách hàng phải có thỏa thuận bằng văn bản về nội dung này để đảm bảo việc ngân hàng thương mại có quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm khi phát sinh trường hợp Ngân hàng Phát triển từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.


Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2014.


Theo chinhphu.vn