03:10, 09/10/2014

2 nhóm phương tiện được miễn nộp phí sử dụng đường bộ

Bao gồm xe kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục trên 30 ngày và xe không sử dụng hệ thống giao thông đường bộ.

Bao gồm xe kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục trên 30 ngày và xe không sử dụng hệ thống giao thông đường bộ.


Tại khoản 2, Điều 2 Thông tư số 133/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã bổ sung thêm 2 nhóm phương tiện giao thông được hưởng chế độ miễn phí sử dụng đường bộ.


Cụ thể: Bổ sung nhóm xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên; Bổ sung nhóm xe ôtô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: Nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ôtô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo lái xe.


Thông tư cũng quy định tạm thời chưa thu phí đối với xe ô tô mang biển số nước ngoài (Bao gồm cả trường hợp xe được cấp đăng kí và biển số tạm thời) được cơ quan có thẩm quyền cho phép tạm nhập, tái xuất có thời hạn theo quy định của pháp luật.
 

Xe ôtô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo lái xe không phải nộp phí. (Ảnh: KT)
Xe ôtô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo lái xe không phải nộp phí. (Ảnh: KT)


Đặc biệt, đối với phương tiện môtô, xe máy, Thông tư 133 quy định chỉ còn hai mức phí 100.000 đồng và 150.000 đồng/năm đối với tất cả các loại mô tô, xe máy (không bao gồm xe máy điện). Căn cứ vào quy định mức thu phí đối với môtô, xe máy, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.


Riêng đối với xe máy của các hộ gia đình nghèo được miễn phí sử dụng đường bộ. Thông tư 133 quy định rõ: “Xe môtô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về hộ nghèo. Trường hợp UBND cấp tỉnh có quy định cụ thể chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào chuẩn hộ nghèo do địa phương ban hành để xác định hộ nghèo”.
Các đơn vị kinh doanh vận tải có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên theo thông tư mới quy định sẽ được thực hiện khai, nộp phí theo tháng, không phải cộng gộp nộp theo năm như trước.


Thông tư 133 sẽ có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 1/11/2014 và chính thức thay thế Thông tư 197 ban hành năm 2012.


Theo VOV