06:05, 04/05/2014

Bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BTP quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BTP quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.


Mục tiêu của quy định này là bảo đảm cơ hội bình đẳng giữa nam và nữ trong tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp lý, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Đồng thời, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trong thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý…


Thông tư quy định, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phân công đơn vị hoặc cán bộ làm đầu mối tham mưu thực hiện bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý.


Căn cứ kết quả xác định, phân tích vấn đề giới tính, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý thông qua việc lồng ghép trong kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý hàng năm và các chương trình, kế hoạch khác.


Hỗ trợ cho người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực gia đình


Thông tư nêu rõ, khi người được trợ giúp pháp lý là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục có yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông tin về quyền được pháp luật bảo vệ cho họ.


Đồng thời, động viên, giải thích để người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin về vụ việc, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tư vấn pháp luật, giải thích quyền, nghĩa vụ, bảo đảm bí mật thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý; hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý tiếp cận với các cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân...


Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp địa chỉ, thông tin về sự hỗ trợ từ cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân và dịch vụ xã hội khác cho nguời được trợ giúp pháp lý khi cần thiết.


Khi phát hiện người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thông tin, phối hợp với cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân để thực hiện biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và trợ giúp theo quy định của pháp luật.


Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân nêu trên nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý hoặc đề nghị cơ quan công an có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho nạn nhân.


Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2014.

Theo chinhphu.vn