Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, trong đó quy định 4 loại tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, trong đó quy định 4 loại tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước gồm:
1- Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân nhưng do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu theo bản án, quyết định của tòa án, quyết định của cấp có thẩm quyền khác.
2- Tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, di sản không người thừa kế, hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
3- Tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước bao gồm: Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam.
4- Tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
Nghị định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, nghiêm cấm một số hành vi khác như: Không báo cáo, lập phương án xử lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; không triển khai thực hiện đúng thời gian quy định việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quy định của pháp luật; gây thất thoát, hư hỏng tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
7 hình thức xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
Nghị định cũng quy định cụ thể việc quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, trong đó quy định quản lý, xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Theo đó, có 7 hình thức xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:
1- Chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý và xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng và các tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và các tài sản khác không được phép lưu hành.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan công bố danh sách cụ thể các cơ quan quản lý chuyên ngành.
2- Chuyển giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để quản lý, sử dụng đối với tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn theo tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
3- Nộp vào ngân sách nhà nước đối với tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ.
4- Tiêu hủy đối với tài sản không còn giá trị sử dụng hoặc buộc phải tiêu huỷ theo quy định của pháp luật; trường hợp đặc biệt cần xử lý theo hình thức khác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản báo cáo Bộ Tài chính hoặc báo cáo cơ quan cấp trên (nếu có) để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định xử lý.
5- Thực hiện bán đấu giá đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định tại các hình thức 1, 2, 3 và 4 nêu trên; trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có một người đăng ký mua tài sản bán đấu giá và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó.
6- Thanh lý đối với tài sản đã tổ chức bán đấu giá 2 lần nhưng không bán được.
7- Việc xử lý đối với hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo chinhphu.vn