Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa |
Đây là mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên
Chiến lược đề ra nhiệm vụ là phải bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Trong đó, xác định các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng và thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên; đẩy nhanh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên biển và đất ngập nước đã được quy hoạch; thiết lập các hành lang đa dạng sinh học kết nối với các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh; thực hiện các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép nhằm bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn.
Khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cháy rừng, nâng cao năng lực ứng phó với cháy rừng ở các cấp.
Đồng thời, củng cố bộ máy quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm tất cả các khu bảo tồn thiên nhiên đã thành lập có Ban quản lý; thực hiện chính sách ưu đãi cho cán bộ làm việc trong các khu bảo tồn.
Các hoạt động trên nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24% diện tích vùng biển; độ che phủ rừng đạt 45%; rừng nguyên sinh được giữ ở mức 0,57 triệu ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả.
Bên cạnh đó, diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô cần được duy trì ở mức hiện có; 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được quốc tế công nhận đạt 10 khu Ramsar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN.
Ngăn chặn sự suy giảm các loài hoang dã bị đe dọa
Cũng theo Quyết định, cần ngăn chặn sự suy giảm các loài hoang dã bị đe dọa, đặc biệt loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đặc biệt ưu tiên đối với các loài thú lớn nguy cấp: Voi, hổ, sao la và các loài linh trưởng.
Ngoài ra, thực hiện bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa và các loài họ hàng hoang dại của các giống cây trồng, vật nuôi; tăng số lượng mẫu giống cây trồng được lưu giữ, bảo tồn trong các ngân hàng gen.
Nhiệm vụ khác của Chiến lược là kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học, trong đó kiểm soát khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.
Cụ thể, hoàn thiện, thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành giữa các lực lượng cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư trong việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.
Vận động, tuyên truyền rộng rãi về việc không tiêu thụ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trên phạm vi toàn quốc.
Theo chinhphu.vn