06:05, 15/05/2013

Quy định trách nhiệm của công đoàn trong tổ chức đình công

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cũng như trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cũng như trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công.


Đối thoại giải quyết quyền lợi của người lao động


Nghị định nêu rõ, công đoàn cơ sở tại đơn vị sử dụng lao động có quyền cũng như trách nhiệm thu thập thông tin, tập hợp kiến nghị, đề xuất nội dung có liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.


Công đoàn cơ sở tại đơn vị sử dụng lao động cũng có quyền, trách nhiệm giám sát việc thực hiện các thỏa thuận đạt được qua đối thoại tại nơi làm việc và quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.


Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc kiến nghị với tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.


Cụ thể, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền, trách nhiệm kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và công đoàn cấp trên xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.


Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở được tiến hành thương lượng với người sử dụng lao động để giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động bị xâm phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và công đoàn cấp trên; thực hiện giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật về lao động.


Trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công


Nghị định cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công.


Theo đó, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan tổ chức sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền, trách nhiệm lấy ý kiến của tập thể lao động để đình công theo quy định của pháp luật về lao động; ra quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công; rút quyết định đình công nếu chưa đình công; tiến hành đình công theo quy định của pháp luật về lao động.


Bên cạnh đó, thực hiện quy định về không được đình công, hoãn, ngừng đình công theo quy định của pháp luật về lao động; yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp theo quy định của pháp luật.


Theo Chinhphu.vn