12:05, 20/05/2013

Quy định làm thêm giờ đối với người lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, trong đó quy định cụ thể về làm thêm giờ đối với người lao động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, trong đó quy định cụ thể về làm thêm giờ đối với người lao động.

Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản được tổ chức làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm - Ảnh minh họa
Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản được tổ chức làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm - Ảnh minh họa

Theo đó, số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.

Khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần thì số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.

Nghị định cũng quy định 3 trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200 - 300 giờ trong một năm gồm: 1- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; 2- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; 3- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ.

Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ Luật Lao động.

Quy định thời gian nghỉ Tết âm lịch

Nghị định nêu rõ, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hàng năm gồm: Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề; thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 1 tháng; thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 2 tháng...

Về thời gian nghỉ Tết âm lịch, Nghị định quy định: Thời gian nghỉ Tết âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm âm lịch hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với:

1. Người lao động Việt Nam, người học nghề, tập nghề và người lao động khác được quy định tại Bộ Luật Lao động.

2. Người sử dụng lao động.

3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Theo Chinhphu.vn