Sau 25 năm xây dựng kể từ ngày 3/4/1975 giải phóng đến ngày 7/7/2000, Cam Ranh chuyển mình lên thị xã. Tiếp theo 10 năm kiên trì phấn đấu, Cam Ranh chuyển mình lên thành phố vào ngày 23/12/2010 theo Nghị quyết số 65/NQ/CP của Chính phủ.
Sau 25 năm xây dựng kể từ ngày 3/4/1975 giải phóng đến ngày 7/7/2000, Cam Ranh chuyển mình lên thị xã. Tiếp theo 10 năm kiên trì phấn đấu, Cam Ranh chuyển mình lên thành phố vào ngày 23/12/2010 theo Nghị quyết số 65/NQ/CP của Chính phủ.
Toàn thành phố có 9 phường, 18 xã; dân số trên 217 ngàn người; diện tích tự nhiên 69699 ha; bờ biển dài 50km; diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản trên 1000 ha…
Cam Ranh giàu tiềm năng thế mạnh cả 3 vùng: đất - biển - trời.
Vùng đất:
Có Quốc lộ IA, đường sắt Bắc Nam đi qua nội thành. Bán đảo Cam Ranh chứa mỏ cát trắng có trữ lượng lớn hơn 500 triệu tấn, với chất lượng tốt, hàm lượng axit silic có từ 97-99,5%; chuyên dùng chế biến pha lê cao cấp, thủy tinh quang học, kính cho thoát tia siêu cực tím. Núi Phụng Hoàng ngự êm ả trên làn cát mịn, soi mặt dưới Ao Hồ sâu 10m, dài 1000m, rộng 250m, trữ lượng nước ngọt 16 ngàn m3. Rừng núi có nhiều gỗ quý như rừng mun (xã Cam Thịnh Tây), bằng lăng (Hòn Rồng Ba Ngòi); chim thú đa dạng (vườn quốc gia Núi Chúa Cam Lập)… Diện tích gieo trồng trên 8000 ha, cây trồng hằng năm trên 6000 ha. Đất dành cho sản xuất ngành công nghiệp như nhà máy đóng tàu Oshima, trạm nghiền xi măng Công Thanh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Cam Ranh, Công ty cổ phần chế biến thủy sản Cam Ranh, Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thủy sản Toàn Cầu, xưởng chế biến nước ngọt Yến Sào xã Cam Thịnh Đông, mỏ khoáng sản tại Hố Hành 1, Hố Hành 2, mỏ đất san lấp tại núi Hòn Dung (xã Cam Thịnh Tây). Cam Ranh còn có trên 50 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử như Di chỉ Khảo cổ học Xóm Cồn (Cam Linh), Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông), Bình Hưng (xã bán đảo Cam Lập), di tích Trụ sở Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Cam Ranh, đồn Vigie (đảo Bình Ba)…
Vùng biển:
Vịnh Cam Ranh là 1 trong 3 vịnh tự nhiên tốt nhất thế giới mà các nhà hàng hải quốc tế trước đây đã đưa vào danh sách đứng chung với cảng: San Fransisco của Mỹ, Rio de Janciro của Brasil. Họ cho rằng vịnh Cam Ranh đạt 3 yếu tố cơ bản: chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, nằm trong vùng rất ít bão, diện tích cho tàu có trọng tải lớn đậu cùng lúc hàng trăm chiếc. Đảo chắn sóng Bình Ba tạo thành bởi hai núi nối liền nhau là Hòn Gò (cao 100m), Hòn Dự (cao 200m) nằm án ngữ giữa biển, chia thành hai cửa biển: Cửa Lớn ở phía Nam rộng 3,5km; cửa Nhỏ ở phía Bắc rộng 250m. Lớp đá hoa cương chạy thoai thoải từ chân đảo ra biển khiến sóng ngoài khơi dội vào bị mất trớn nên rất ít sóng.
Cam Ranh còn một vịnh nhỏ nữa nối từ ngoài bờ biển Đông với đầm Thủy Triều. Đầm này dài hơn 10km, rộng hơn 3km, chỗ hẹp nhất rộng 500m. Độ sâu cho tàu có trọng tải dưới 5 tấn có thể vào đậu. Có bài ca dao truyền tụng: “Yến sào Hòn Nội/ Vịt lội Ninh Hòa/ Tôm hùm Bình Ba/ Nai khô Diên Khánh/ Cá Tràu Vỏ Cạnh/ Sò huyết Thủy Triều”.
Hiện nay, cảng Ba Ngòi trở thành thương cảng quốc tế tổng hợp Container, đón các tàu có trọng tải 3 vạn tấn cập bến. Phía Bắc bờ cảng Ba Ngòi còn có bến đò đưa khách qua lại từ đất liền đến đảo Bình Ba, bán đảo Cam Lập; các công ty chế biến thủy sản trong và ngoài nước kinh doanh phát triển.
Vùng trời:
Một sự kiện đáng nhớ là ngày sinh nhật Bác (19/5/2004), sân bay Nha Trang được dời vào Cam Ranh, nâng cấp thành Cảng Hàng không quốc tế vào ngày 12/12/2009 với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, tổng diện tích sân bay 750 ha, đường băng dài trên 3km, rộng 45m. HIện sân bay Cam Ranh dẫn đầu toàn quốc về diện tích, đứng hàng thứ tư về sản lượng hành khách. Riêng năm 2012, sân bay Cam Ranh đón trên 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2020, sân bay Cam Ranh sẽ đón nhận 2 triệu lượt khách quốc tế và trong nước.
Thật là tuyệt với, Cam Ranh có đủ 4 loại đường: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không, tạo điều kiện phát triển mạnh về mọi mặt, nhất là du lịch.
Nguyễn Thị Hồng Ngọc