Các tổ chức, cá nhân thuộc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục phổ thông tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách, tài liệu tham khảo tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.
Các tổ chức, cá nhân thuộc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục phổ thông tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách, tài liệu tham khảo tới học sinh hoặc cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.
Ảnh minh họa |
Đây là yêu cầu của Bộ GD-ĐT tại văn bản hướng dẫn về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo (STK) trong trường phổ thông.
STK là các nguồn tài liệu (cả kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng) có nội dung liên quan đến một số môn học, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông do giáo viên và học sinh tự lựa chọn để tham khảo trong giảng dạy, học tập được gọi chung là sách tham khảo khác; STK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc các nhà xuất bản khác phát hành.
Theo Bộ GD-ĐT, giáo viên có thể sử dụng STK để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học…
Đồng thời, học sinh có thể sử dụng STK để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; hỗ trợ việc tự học, tự đánh giá bản thân; nghiên cứu khoa học…
Bộ cũng lưu ý, giáo viên, học sinh khi sử dụng STK nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa STK và sách giáo khoa (SGK) thì phải lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập.
Cũng tại văn bản này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng, củng cố thư viện nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng STK của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong nhà trường. Các trường tuyệt đối không được lưu hành, sử dụng sách có nội dung không lành mạnh và sách có biểu hiện vi phạm pháp luật trong nhà trường. Không được sử dụng sách có nội dung không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông.
Trường hợp phát hiện STK có sai sót, có nội dung không lành mạnh hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật, các trường cần kịp thời báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý.
Hạn chế học thuộc máy móc theo sách giáo khoa
Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK), sách giáo viên, sách bài tập, tài liệu giáo dục địa phương...
Theo đó, SGK là tài liệu chính để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và là tài liệu chính để học sinh học tập.
Bộ GD-ĐT yêu cầu, khi sử dụng SGK để chuẩn bị bài dạy, giáo viên cần dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình môn học, xác định trọng tâm của bài học để thiết kế bài dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.
Khi tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, giáo viên cần dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học để biên soạn câu hỏi, xây dựng đề kiểm tra theo định hướng yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng; hiểu và vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết vấn đề; hạn chế đến mức thấp nhất yêu cầu học sinh phải học thuộc máy móc theo SGK.
Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, giáo viên, học sinh khi sử dụng SGK nếu gặp tình huống có các cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa SGK và chương trình giáo dục phổ thông thì lấy chương trình giáo dục phổ thông làm căn cứ để dạy học.
Sách giáo viên do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Đối với một số môn học ở cấp tiểu học và môn Thể dục, Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở (THCS) và cấp THPT, Bộ không ban hành SGK mà chỉ ban hành sách giáo viên.
Sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành. Trên sách bài tập có ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tên các tác giả.
Theo Chinhphu.vn