05:01, 27/01/2013

Điều kiện công nhận địa phương đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, trong đó quy định điều kiện công nhận địa phương đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, trong đó quy định điều kiện công nhận địa phương đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật.

Phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong 8 tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở - Ảnh minh họa
Phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong 8 tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở - Ảnh minh họa

8 tiêu chí tiếp cận pháp luật

Có 8 tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở gồm: 1- Giải quyết các vụ việc hành chính tư pháp; 2- Ban hành văn bản quy  phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND xã, phường; 3- Phổ biến, giáo dục pháp luật; 4- Trợ giúp pháp lý; 5- Thực hiện dân chủ ở xã, phường; 6- Thiết chế tiếp cận pháp luật của xã hội; 7- Bộ máy bảo đảm thực hiện thiết chế pháp luật; 8- Kinh phí và cơ sở vật chất.

8 tiêu chí nêu trên gồm 41 chỉ tiêu với số điểm đánh giá tương ứng. Chẳng hạn như tiêu chí về giải quyết các vụ việc hành chính tư pháp gồm 12 chỉ tiêu (300 điểm); tiêu chí về phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 6 chỉ tiêu (100 điểm); tiêu chí về trợ giúp pháp lý gồm 5 chỉ tiêu (100 điểm);... Tổng số điểm của các tiêu chí là 1.000 điểm.

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ít nhất phải từ 700 điểm trở lên

Quyết định nêu rõ, địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là địa phương có môi trường pháp lý thuận lợi với đủ các thiết chế pháp luật; hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ pháp luật tốt, được xã hội hóa; người dân nói chung, đặc biệt là người nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với hoạt động của các cơ quan nhà nước và sử dụng các thiết chế pháp luật, các phương tiện hỗ trợ pháp lý tại cơ sở thuận lợi để bảo vệ, thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình.

Xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là xã, phường không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa và có số điểm chuẩn như sau:

- Đạt từ 900 điểm trở lên đối với các phường thuộc các quận của thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đạt từ 800 điểm trở lên đối với các xã, thị trấn thuộc huyện của thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường của thành phố, thị xã thuộc tỉnh; thị trấn của huyện thuộc tỉnh khu vực đồng bằng, trung du; xã, phường của thị xã, thành phố thuộc tỉnh miền núi.

- Đạt từ 700 điểm trở lên đối với các xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Quận, huyện được công nhận là quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nếu có trên 70% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và không có xã, phường nào đạt dưới 500 điểm.

Tỉnh, thành phố được công nhận là tỉnh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nếu có trên 70% số quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và trên 70% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; không có xã, phường đạt dưới 500 điểm.

Việc quy định chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở nhằm đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và pháp huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo Chinhphu.vn