Hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Ảnh minh họa |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Theo đó, ngoài được hỗ trợ sản xuất lúa hàng năm, người sản xuất lúa còn được hỗ trợ sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Cụ thể, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại trên 70%; mức hỗ trợ là 50% khi sản xuất lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%.
Đồng thời, ngân sách Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; mức chi phí do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định.
Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang.
Hỗ trợ 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước.
Ngoài ra, sẽ ưu tiên hỗ trợ chi phí bảo hiểm sản xuất lúa theo quy định.
Hỗ trợ ngân sách cho địa phương sản xuất lúa
Nghị định cũng quy định hỗ trợ ngân sách cho địa phương sản xuất lúa. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương từ 2012 - 2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành còn được ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để sản xuất lúa.
Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước phải đáp ứng 3 điều kiện
Nghị định nêu rõ, hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp; khuyến khích việc khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa, cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước phải đáp ứng 3 điều kiện.
Thứ nhất, phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng.
Thứ hai, phải có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Thứ ba, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định.
Cấm bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên
Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, người sử dụng đất trồng lúa phải sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt; sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất.
Nghiêm cấm các hành vi: Gây ô nhiễm, làm thoái hóa, làm biến dạng mặt bằng của đất dẫn đến không trồng lúa được; bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ 2 năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012.
Theo Chinhphu.vn