Theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật vừa được Chính phủ ban hành, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt.
Theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật vừa được Chính phủ ban hành, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt.
Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt - Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau: Giảm tối thiểu 15% đối với máy bay; giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.
Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé khi sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao
Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao sau: Bảo tàng, di tích văn hóa - lịch sử, thư viện và triển lãm; nhà hát, rạp chiếu phim; các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước; các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác.
Người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao nêu trên.
Để được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ, người khuyết tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.
Bố trí nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật
Đơn vị tham gia vận tải công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả khách ở những nơi dễ thấy.
Nghị định cũng quy định rõ, đến năm 2015 có ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tỷ lệ này đến năm 2017 là 75% và đến ngày 1-1-2020 là 100%.
Hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật
Người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra còn được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra còn được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định pháp luật...
Chinhphu.vn