Theo Thông tư liên tịch 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú thì kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú được chi trả hàng tháng.
Theo Thông tư liên tịch 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú thì kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú được chi trả hàng tháng.
Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú - Ảnh minh họa |
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập khác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.
Thông tư quy định rõ điều kiện xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Cụ thể, đối với trường hợp nhà ở xa trường: khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 4 km trở lên đối với học sinh cấp tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh cấp trung học cơ sở… Đối với trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: học sinh đi học phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá...
Mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ
Đối với học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, mỗi tháng học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Thông tư nêu rõ, việc chi trả kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú được chi trả hàng tháng. Tùy theo điều kiện cụ thể, nhà trường quyết định việc tổ chức nấu ăn cho các em hoặc chi trả tiền mặt cho các em cho phù hợp (khuyến khích cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh).
Về hỗ trợ nhà ở, học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường. Đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ nhà ở (đối với học sinh tự lo chỗ ở) được cấp phát trực tiếp bằng tiền mặt cho học sinh. Việc chi trả này thực hiện 2 lần/năm học: lần 1 cấp vào tháng 9, lần 2 cấp vào tháng 1 năm sau.
Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, được bổ sung kinh phí chi thường xuyên hàng năm với mức 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm để mua sắm, sửa chữa dụng cụ thể dục thể thao và phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho học sinh bán trú; mức 50.000đ/học sinh bán trú/năm học để lập tủ thuốc dùng chung cho học sinh bán trú. Ngoài ra, được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, nước sạch...
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6-2-2012. Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 1-1-2011.
Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này nếu có nhiều mức hỗ trợ cho cùng một chính sách thì học sinh bán trú chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Theo Chinhphu.vn