Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các địa phương có tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức 105 - 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái khoảng năm 2025.
Giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các địa phương có tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức 105 - 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái khoảng năm 2025.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mục tiêu tăng dân số ở mức 1%
Chiến lược đề ra 11 mục tiêu cụ thể. Một là, phấn đấu tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015 và ổn định ở mức khoảng 1% vào năm 2020; chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình cao của thế giới vào năm 2020.
Hai là, nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật và tử vong trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về các chỉ báo sức khỏe trẻ em giữa các vùng miền.
Cụ thể, giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi xuống 19,3% vào năm 2015 và xuống 16% vào năm 2020; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 15% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 30% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.
Ba là, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 58,3/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015 và xuống dưới 52/100.000 vào năm 2020.
Các chỉ tiêu tiếp theo là: Giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; duy trì mức sinh thấp hợp lý đáp ứng đầy đủ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình của người dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng; giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, chú trọng sàng lọc ung thư đường sinh sản ở phụ nữ trong độ tuổi 30 – 54; cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên.
Cải thiện sức khỏe sinh sản cho các nhóm dân số đặc thù (người di cư, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người dân thuộc dân tộc có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi); đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người là nạn nhân của bạo lực vì lí do giới tính và trong trường hợp thảm họa, thiên tai cũng là một mục tiêu quan trọng.
Mục tiêu thứ mười và mười một là tăng cường chăm sóc người cao tuổi; thúc đẩy sự phân bố dân số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, Chiến lược đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể. Trong đó, sẽ thực hiện 13 dự án. Đó là: Dự án Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và kế hoạch hóa gia đình; dự án Đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; dự án Nâng cao chất lượng giống nòi; dự án Nâng cao năng lực quản lý chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình; đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đề án Tổng thể nâng cao chất lượng dân số…
Theo kết quả điều tra cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, vào thời điểm 0h ngày 1-4-2009 dân số Việt Nam là 85.846.977 người, trong đó có 42.413.143 nam (chiếm 49,4%) và 43.433.854 nữ (chiếm 50,6%). Tính từ cuộc Tổng điều tra trước, số dân nước ta tăng thêm 9,523 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 952.000 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm giữa 2 cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, so với thời kỳ 10 năm trước (1989-1999), mỗi năm tăng gần 1,2 triệu người (với tỷ lệ tăng hàng năm là 1,7%/năm). |
Theo Chinhphu.vn