10:11, 04/11/2011

Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng từ xa

Theo Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành, khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp thông tin về tên tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, chất lượng của hàng hóa dịch vụ... cho người tiêu dùng.

Theo Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành, khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp thông tin về tên tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, chất lượng của hàng hóa dịch vụ... cho người tiêu dùng.

Phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng từ xa- Ảnh minh họa
Phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng từ xa- Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về chi phí giao hàng (nếu có); phương thức thanh toán, phương thức giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thời gian có hiệu lực của đề nghị giao kết và mức giá đề nghị giao kết; chi phí sử dụng phương tiện thông tin liên lạc cho việc giao kết hợp đồng nếu chi phí này chưa được tính vào giá của hàng hóa, dịch vụ; chi tiết về tính năng, công dụng, cách thức sử dụng của hàng hóa, dịch vụ là đối tượng hợp đồng.

Trường hợp việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua điện thoại, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải nói rõ ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin quy định thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.

Trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định trên, cá nhân kinh doanh phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.

Trường hợp việc chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng giao kết từ xa là hợp đồng được ký kết giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua phương tiện điện tử hoặc điện thoại.

Theo Chinhphu.vn