Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-12-2011.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT). Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-12-2011.
Cản trở đến khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ bị phạt tiền đến 6 triệu đồng - Ảnh minh họa |
Nghị định gồm 4 Chương, 53 Điều quy định về các hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT.
Nghị định quy định 6 nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHYT gồm: 1- Vi phạm về đóng, thu BHYT; 2- Vi phạm về cấp, cấp lại, đổi thẻ và sử dụng thẻ BHYT; 3- Vi phạm về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT, công tác giám định BHYT; 4- Vi phạm về quản lý, sử dụng quỹ BHYT; 5- Vi phạm về báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu về BHYT; 6- Vi phạm các quy định về thanh tra, kiểm tra cản trở hoạt động quản lý nhà nước về BHYT.
Các hành vi vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, mức phạt tiền tối đa xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT là 40 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Không đóng BHYT cho người lao động bị phạt đến 30 triệu đồng
Theo quy định tại Nghị định, hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 0,5 – 30 triệu đồng.
Cụ thể, khi vi phạm không đóng BHYT cho từ 1 – 10 người lao động, người sử dụng lao động bị phạt từ 0,5 – 1 triệu đồng.
Mức từ 20 – 30 triệu đồng áp dụng với hành vi không đóng BHYT cho từ 1.001 người lao động trở lên.
Trường hợp đóng không đủ số người có trách nhiệm tham gia BHYT, người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt tiền từ 0,3 – 1 triệu đồng/1 người lao động.
Còn nếu đóng BHYT không đủ số tiền phải đóng thì mức phạt sẽ từ 0,3 - 32 triệu đồng tùy theo giá trị vi phạm.
Theo Nghị định, sẽ cảnh cáo đối với trường hợp vi phạm cấp thẻ BHYT chậm dưới 10 ngày làm việc so với thời gian quy định. Nếu chậm từ 10 ngày làm việc trở lên sẽ bị phạt tiền từ 0,3 - 8 triệu đồng tùy thuộc vào số thẻ chậm cấp.
Phạt từ 0,5 – 2 triệu đồng nếu sử dụng thẻ BHYT của người khác khám chữa bệnh
Nghị định quy định, nếu tẩy xóa, sửa chữa thẻ BHYT để sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ bị phạt từ 0,5 - 1 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; phạt từ 1 - 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm gây thiệt hại đến quỹ BHYT.
Đồng thời, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh cũng sẽ bị phạt từ 0,5 - 2 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tạm giữ thẻ BHYT trong thời hạn 30 ngày.
Hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có người bệnh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 0,5 – 24 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Mức phạt cao tới 40 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế không có người sử dụng; lạm dụng dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Đặc biệt, Nghị định nêu rõ, nếu gây khó khăn, cản trở đến khám bệnh, chữa bệnh BHYT nhưng vi phạm lần đầu và chưa làm thiệt hại đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thì sẽ bị cảnh cáo. Trường hợp tái phạm hoặc đã gây thiệt hại thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 0,3 - 6 triệu đồng.
Theo Chinhphu.vn