Để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án.
Để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án.
Dự án nuôi, trồng thủy, hải sản gắn với chế biến công nghiệp nhóm A, B là một trong những dự án được vay vốn tín dụng đầu tư - Ảnh minh họa |
Nghị định mới nêu rõ, đối tượng cho vay là chủ đầu tư có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư (ban hành kèm theo Nghị định 75/2011/NĐ-CP).
Để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, chủ đầu tư nói trên phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, có hiệu quả, bảo đảm trả được nợ; được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN) thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận cho vay; thực hiện bảo đảm tiền vay và phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn...
Đặc biệt, chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Đây là quy định mới được bổ sung nhằm nâng cao trách nhiệm huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện dự án thông qua các hình thức phát hành trái phiếu, huy động khác, thông qua đó giảm bớt rủi ro cho các bên.
Một điều kiện cho vay khác cũng mới được bổ sung là chủ đầu tư phải thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán độc lập.
Mức vốn cho vay tối đa
Theo Nghị định 75/2011/NĐ-CP thì mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi dự án vẫn được giữ nguyên như quy định tại Nghị định 151/2006/NĐ-CP là bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).
Tuy nhiên, Nghị định 75/2011/NĐ-CP cũng bổ sung thêm quy định: mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi chủ đầu tư không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của NHPTVN.
Sở dĩ có quy định này vì theo Bộ Tài chính, khả năng nguồn vốn của NHPTVN còn hạn hẹp; bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng cần huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện dự án (vốn vay ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu), không nên quá trông chờ vào nguồn vốn tín dụng của NHPTVN, dẫn đến sự ỷ lại và không khuyến khích các dự án có chất lượng tốt, hoạt động theo nguyên tắc kinh tế thị trường.
Về thời hạn cho vay, Nghị định nêu rõ là xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.
Lãi suất cho vay phù hợp với nguyên tắc thị trường
Theo quy định tại Nghị định 106/2008/NĐ-CP trước đây, lãi suất vay vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng 1%/năm. Nhưng để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành lãi suất tín dụng đầu tư, giúp NHPTVN tiến tới tự chủ và cân bằng về tài chính, Nghị định 75/2011/NĐ-CP đã có quy định mới: Lãi suất cho vay đầu tư không thấp hơn lãi suất bình quân các nguồn vốn cộng với phí hoạt động của NHPTVN.
Tổng Giám đốc NHPTVN tính toán mức lãi suất bình quân các nguồn vốn và chi phí hoạt động báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý NHPTVN trình Bộ Tài chính công bố lãi suất cho vay tín dụng đầu tư. Trường hợp lãi suất huy động bình quân có biến động lớn, Chủ tịch Hội đồng quản lý NHPTVN báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.
Việc thực hiện chính sách tín dụng đầu tư đã cung ứng một khối lượng vốn lớn cho các dự án đầu tư phát triển thuộc các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, thông qua đó tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu; góp phần phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. |
Theo Chinhphu.vn