Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Từ nay đến 2015, 50-60% số làng, bản, buôn... có nhà văn hóa - Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020".
Theo đó, địa bàn thực hiện Đề án là miền núi, dân tộc thiểu số. Ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; những vùng phải di dời để phát triển kinh tế; vùng có nguy cơ cao bị mai một bản sắc văn hóa; vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ).
Từ nay đến 2015, 50-60% số làng, bản, buôn... có nhà văn hóa
Mục tiêu cụ thể của Đề án là từ nay đến 2015 cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 5.000 người) ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.
Bên cạnh đó, 50-60% số làng, bản, buôn, phum, sóc, thôn... có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện. Mục tiêu này đến năm 2020 là 70-85%.
Một mục tiêu khác của Đề án là đến 2015, mỗi huyện vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất 1 nghề truyền thống, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
7 giải pháp thực hiện Đề án
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Đề án đưa ra 7 giải pháp, trong đó giải pháp đột phá là đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển. Đến năm 2020, 60-80% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống trên địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phối hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh và Truyền hình tại các địa phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc.
Tổng kinh phí dự kiến của Đề án là 1.512 tỷ đồng.
Theo Chinhphu.vn