Theo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng trầm hương được sản xuất, tạo ra từ cây Dó bầu trồng, mặt hàng này sẽ được miễn thuế xuất khẩu từ ngày 4-8-2011.
Theo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng trầm hương được sản xuất, tạo ra từ cây Dó bầu trồng, mặt hàng này sẽ được miễn thuế xuất khẩu từ ngày 4-8-2011.
Miễn thuế xuất khẩu trầm hương nhân tạo - Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính quy định, khi làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng trầm hương xuất khẩu được sản xuất, tạo ra từ cây Dó bầu trồng, người khai hải quan nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan hồ sơ hải quan, gồm các chứng từ sau: Tờ khai hải quan; Hợp đồng mua bán hàng hóa (hợp đồng được xác lập bằng văn bản hoặc bằng các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu).
Bên cạnh đó, hồ sơ hải quan cũng phải có Giấy phép CITES (Convention on international trade in endangered species of wild fauna and flora permit) do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp theo qui định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Hợp đồng ủy thác xuất khẩu hàng hóa đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu, trong đó có quy định giá cung cấp theo hợp đồng ủy thác không bao gồm thuế xuất khẩu; Bảng kê danh mục, tài liệu của hồ sơ đề nghị miễn thuế.
Người nộp thuế phải tự tính, khai số tiền thuế được miễn cho từng tờ khai hải quan như đối với trường hợp phải nộp thuế. Cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ miễn thuế, số tiền thuế đề nghị miễn, đối chiếu với các quy định hiện hành để làm thủ tục miễn thuế cho từng tờ khai hải quan theo qui định.
Hiện nay, sản xuất trầm hương nhân tạo từ cây Dó bầu trồng là một ngành sản xuất mới của nước ta. Cây Dó bầu được trồng ở nhiều địa phương trong cả nước với diện tích khoảng 12.000 ha, tập trung ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Các địa phương có diện tích trồng lớn nhất là Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Phước.
Hiện Việt Nam xuất khẩu trầm hương chủ yếu ở dạng thô hoặc đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, nên giá trị chưa cao, trung bình khoảng 25 triệu USD/năm.
Theo Chinhphu.vn