02:07, 30/07/2011

Không sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy làm biểu tượng Trung tâm trọng tài thương mại

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại. Trong đó, quy định Trung tâm trọng tài có thể có biểu tượng, nhưng không được sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam làm biểu tượng của mình.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại. Trong đó, quy định Trung tâm trọng tài có thể có biểu tượng, nhưng không được sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam làm biểu tượng của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, về tên của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài, Nghị định nêu rõ: Tên của Trung tâm trọng tài được viết bằng tiếng Việt do các sáng lập viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Trung tâm trọng tài” và không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các Trung tâm trọng tài khác đã được cấp Giấy phép thành lập, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong trường hợp Trung tâm trọng tài có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên gọi đó phải là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, và cũng không được trùng, không gây nhầm lẫn với tên của tổ chức trọng tài khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo Nghị định, Trung tâm trọng tài có thể có biểu tượng, nhưng không được sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam làm biểu tượng của mình.

Cấp Giấy đăng ký hoạt động trong vòng 15 ngày

Trung tâm trọng tài muốn hoạt động cần gửi hồ sơ đăng ký về Sở Tư pháp địa phương nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở. Hồ sơ gồm: Đơn đăng ký hoạt động; Bản sao Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài; Bản sao Điều lệ Trung tâm trọng tài; Bản chính hoặc bản sao Giấy tờ chứng minh về trụ sở hoạt động của Trung tâm trọng tài.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài.

4 trường hợp bị thu hồi Giấy phép hoạt động

Theo quy định tại Nghị định, Trung tâm trọng tài sẽ bị thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động trong 4 trường hợp sau:

Một là, Trung tâm trọng tài có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm.

Hai là, Trung tâm trọng tài không tiến hành bất kỳ hoạt động nào ghi trong Điều lệ, Giấy phép thành lập trong vòng 5 năm liên tục kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Ba là, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài không tiến hành đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp địa phương nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở.

Bốn là, Trung tâm trọng tài không sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy tắc tố tụng trọng tài cho phù hợp với Luật Trọng tài thương mại trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi từ Sở Tư pháp địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài.

Cũng theo quy định tại Nghị định, trước ngày 31-12-2011, các Trung tâm trọng tài được thành lập trước ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực (1-1-2011) phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ và Quy tắc tố tụng trọng tài cho phù hợp với quy định của Luật. Điều lệ sửa đổi, bổ sung phải được Bộ Tư pháp phê chuẩn.

Theo Chinhphu.vn