05:06, 25/06/2011

Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế phải có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính. Theo đó, điều kiện về tài chính để được cấp phép bưu chính là, mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh là 2 tỷ đồng...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính. Theo đó, điều kiện về tài chính để được cấp phép bưu chính là, mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh là 2 tỷ đồng, của DN cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế là 5 tỷ đồng.

DN cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh phải có vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng
DN cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh phải có vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính đối với trường hợp cung ứng dịch vụ thư và cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính (gồm cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2 kg; cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 2 kg; cung ứng dịch vụ gói, kiện) trong phạm vi nội tỉnh. Trường hợp cung ứng dịch vụ trong phạm vi liên tỉnh, quốc tế sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, Nghị định nêu rõ, dự án có vốn đầu tư nước ngoài có mức vốn dưới 15 tỷ đồng phải được thẩm tra nhưng không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Còn dự án có vốn đầu tư nước ngoài có mức vốn từ 15 tỷ đồng trở lên phải được thẩm tra trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Nghị định quy định, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện trên nguyên tắc bồi thường thiệt hại trực tiếp trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không đảm bảo chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.

Nghị định cũng nêu rõ, không bồi thường thiệt hại đối với 2 trường hợp: Dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi và trường hợp người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ.

Về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu, đối với dịch vụ bưu chính trong nước là 4 lần cước của dịch vụ đã sử dụng; đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng đường hàng không là 9 SDR/kg (SDR là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế IMF quy định)nhưng không thấp hơn 30SDR/bưu gửi, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng; đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng phương thức khác là 5 SDR/kg, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng.

Việc bồi thường thiệt hại phải được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày các bên lập văn bản xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Theo Chinhphu.vn