Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 65% giảng viên đại học, cao đẳng trong các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có khoảng 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 65% giảng viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT) đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có khoảng 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Múa sạp-điệu múa phổ biến của một số dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Ảnh minh họa |
Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực VHNT, giai đoạn 2011 - 2020" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thực hiện việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo hình nhiều hình thức với mục tiêu cụ thể: đào tạo tại các trường ĐH có uy tín của nước ngoài khoảng 500 thạc sĩ và 300 tiến sĩ. Đào tạo theo hình thức liên kết giữa các trường ĐH đào tạo VHNT ở Việt Nam và nước ngoài khoảng 300 thạc sĩ và 120 tiến sĩ. Đào tạo trong nước khoảng 4.000 thạc sĩ và 500 tiến sĩ.
Bên cạnh đó, giai đoạn từ năm 2011 - 2020 đào tạo ĐH ở nước ngoài khoảng 350 người nhằm tạo nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên có trình độ cao hơn.
Ngoài ra, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao thuộc các nhóm ngành: Văn hóa, Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc.
Theo Đề án, đối tượng tuyển chọn đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ là giảng viên các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, có năng lực và trình độ chuyên môn, có độ tuổi không quá 45 tuổi đang hoạt động trong lĩnh vực VHNT.
Đối tượng tuyển chọn đào tạo ĐH ở nước ngoài là sinh viên các trường ĐH, CĐ VHNT. Ưu tiên tuyển sinh đào tạo cán bộ, giảng viên và sinh viên ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, hải đảo.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến khoảng 1.015 tỉ đồng.
Theo Chinhphu.vn