Theo quy định cũ (Nghị định 34/2008/NĐ-CP), 2 trường hợp cấp lại giấy phép lao động là: Giấy phép lao động bị mất; giấy phép lao động bị hỏng. Tại Nghị định 46/2011/NĐ-CP, ngoài 2 trường hợp nêu trên, trường hợp thay đổi về số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động đã được cấp cũng được cấp lại giấy phép lao động.
Theo quy định cũ (Nghị định 34/2008/NĐ-CP), 2 trường hợp cấp lại giấy phép lao động là: Giấy phép lao động bị mất; giấy phép lao động bị hỏng. Tại Nghị định 46/2011/NĐ-CP, ngoài 2 trường hợp nêu trên, trường hợp thay đổi về số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động đã được cấp cũng được cấp lại giấy phép lao động.
Ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện - Ảnh minh họa. |
Đây là điểm mới của Nghị định 46/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Nghị định 46/2011/NĐ-CP quy định rõ, thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại bằng thời gian của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động.
Bổ sung quy định về người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu
Nghị định 46/2011/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam.
Cụ thể, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.
Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.
Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu nước ngoài phải có phương án sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan để giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, đối với đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 30 ngày, đối với đề nghị tuyển dưới 500 lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu nước ngoài theo đề nghị nêu trên thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu nước ngoài được tuyển người nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
Nghị định nêu rõ, định kỳ hằng quý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam đối với người nước ngoài làm việc tại các dự án, gói thầu do nhà thầu nước ngoài trúng thầu trên địa bàn.
Nghị định 46/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1-8-2011.
Theo Chinhphu.vn