08:05, 13/05/2011

Phát triển trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Tư vấn, TGPL cho người dân - Ảnh minh họa
Tư vấn, TGPL cho người dân - Ảnh minh họa

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hệ thống tổ chức TGPL của Nhà nước bao gồm Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và 63 Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp.

Qua 14 năm hoạt động, hệ thống TGPL đã góp phần thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trên 1,4 triệu người; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng triệu lượt người.

100% xã, phường duy trì câu lạc bộ TGPL

Để phát triển TGPL ổn định, bền vững, cung ứng dịch vụ trợ giúp kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân thuộc diện được TGPL, Chiến lược đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có từ 80 - 95% người dân biết về quyền được TGPL của họ, nắm được các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động TGPL. Tỷ lệ này trong giai đoạn từ năm nay đến 2015 là vào khoảng từ 50 - 70% .

Đồng thời, trong giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm 100% cán bộ ở các cơ quan tiếp dân, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nắm được các quy định về TGPL và quyền của người dân về TGPL; từ 70 - 80% người dân khi tiếp cận với các cơ quan công quyền có liên quan đến pháp luật đều được tư vấn, hướng dẫn về quyền được TGPL.

Ngoài ra, phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020, có 100% số xã, phường, thị trấn sẽ thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên câu lạc bộ TGPL.

20.000 cộng tác viên thực hiện TGPL

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TGPL. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ phát triển đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên nghiệp của nhà nước khoảng 1.500 người và đội ngũ cộng tác viên khoảng 20.000 người, bao gồm luật sư, luật gia… Trong đó, chú trọng phát triển các cộng tác viên TGPL là phụ nữ và người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng.

Đồng thời, sẽ bảo đảm 100% người thực hiện TGPL được đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý hành chính nhà nước, kỹ năng TGPL, có trình độ và năng lực thực hiện TGPL ở các hình thức: Tư vấn, tham gia tố tụng, hòa giải…

Bên cạnh đó, phấn đấu 100% nhu cầu tư vấn pháp luật, hòa giải của người thuộc diện được TGPL được đáp ứng ngay tại cơ sở; 100% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lao động ít nhất 1 đợt/năm.

Theo Chinhphu.vn