Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành hơn 667 tỷ đồng thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2011-2015.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành hơn 667 tỷ đồng thực hiện Chương trình quốc gia khống chế bệnh lở mồm long móng (LMLM) giai đoạn 2011-2015.
Tiêm vắc xin LMLM cho trâu bò. Ảnh minh họa |
Chương trình đặt mục tiêu không để dịch xảy ra trên diện rộng, giảm số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên đồng thời ngăn chặn dịch từ nước ngoài vào; kết quả tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn, 100% so với diện tiêm ở các vùng tiêm phòng bắt buộc...
Về phạm vi tiêm phòng, đối với vùng khống chế bệnh, gồm 8 tỉnh biên giới phía bắc là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; 6 tỉnh biên giới Tây Nam là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước; 5 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và 32 huyện của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam có biên giới với Lào, các huyện thường xuyên xảy ra dịch.
Việc tiêm phòng cũng được thực hiện với vùng đệm gồm 19 tỉnh nằm sát vùng khống chế, có nguy cơ phát dịch cao và 3 huyện thuộc tỉnh Ninh Bình (Nho Quan, Tam Điệp, Yên Mô).
Bộ NNPTNT cho biết, kinh phí mua vắc xin để tiêm cho đàn trâu, bò giống của nhà nước, đàn trâu bò của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng khống chế thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc, được ngân sách Trung ương đảm bảo 100%.
Đối với đàn trâu, bò giống của nhà nước, đàn trâu bò của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng đệm thuộc diện phải tiêm phòng, kinh phí mua vắc xin do Ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% và ngân sách địa phương hỗ trợ 50%.
Theo Chinhphu.vn