07:05, 15/05/2011

Đánh giá kỹ năng nghề mỗi năm

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 15/2011/TT-BLĐTBXH quy định tổ chức và quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, áp dụng từ 24-6-2011.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH ) vừa ban hành Thông tư 15/2011/TT-BLĐTBXH quy định tổ chức và quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề (KNN) quốc gia, áp dụng từ 24-6-2011.

Thực hành kỹ năng nghề - Ảnh minh họa
Thực hành kỹ năng nghề - Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, số lượng bậc trình độ kỹ năng nghề trong một nghề tối đa là 5 bậc.

Bởi vậy, để tổ chức, quản lý việc đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được chặt chẽ, Thông tư 15 quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ KNN quốc gia đối với bậc 4, 5 được tổ chức 2 kỳ vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Các bậc trình độ kỹ năng còn lại được tổ chức nhiều kỳ trong năm.

Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia bao gồm các quy định về mức độ thực hiện và yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ cần có để thực hiện các công việc của một nghề.

Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được xây dựng theo bậc trình độ kỹ năng nghề cho mỗi nghề và phù hợp với khung của từng bậc trình độ kỹ năng nghề.

Việc đánh giá này được thực hiện tại các cơ sở dạy nghề; cơ sở giáo dục và đào tạo; cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ hoặc doanh nghiệp được Tổng cục Dạy nghề cấp Giấy chứng nhận Trung tâm Đánh giá kỹ năng.

Trình độ KNN bậc cao nhất cần ít nhất 14 năm trong nghề

Người đăng ký tham dự kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia ở trình độ kỹ năng bậc 1 cần thỏa mãn ít nhất 1 trong các điều kiện sau: Đã học hết chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp hoặc có thời gian làm việc đúng nghề ít nhất 1 năm.

Đối với trình độ kỹ năng nghề bậc cao hơn, sẽ có những yêu cầu về điều kiện tham dự đánh giá kỹ năng cao hơn. Cụ thể, về thời gian làm việc đúng nghề, yêu cầu ít nhất là 4 năm đối với trình độ kỹ năng bậc 2; bậc 3 là 8 năm; bậc 4 cần 11 năm và bậc 5 cần ít nhất 14 năm làm việc đúng nghề.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, việc thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNN quốc gia nhằm mục đích khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao trình độ KNN của mình, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

Đồng thời, đây cũng là cách để phát hiện những thiếu hụt về KNN của người lao động so với tiêu chuẩn KNN quốc gia đã được ban hành, từ đó đưa ra thông tin cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cơ sở dạy nghề để có biện pháp bổ sung những kỹ năng nghề còn thiếu hụt.

Theo Chinhphu.vn