06:04, 14/04/2011

Vi phạm trong nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng bị phạt tới 50 triệu đồng

Theo Thông tư 37/2011/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thi hành Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, việc vi phạm quy định về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng sẽ chịu mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng.

Theo Thông tư 37/2011/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thi hành Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, việc vi phạm quy định về nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng sẽ chịu mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Tài chính quy định, đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 12 tháng đến 18 tháng bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.

Nếu tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 18 tháng sẽ bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.

Thao túng giá chứng khoán bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán, ngoài hình thức phạt chính bằng tiền, còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật. Khoản thu trái pháp luật là khoản lợi nhuận phát sinh từ việc thực hiện hành vi giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí phải nộp.

Các hành vi giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán gồm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Một người hay một nhóm người thông đồng với nhau đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

Ngoài ra, việc liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường cũng bị coi là giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán.

Bộ Tài chính cũng quy định, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã quá thời hạn chấp hành quyết định này mà không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bao gồm: Khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; Kê biên phần tài sản, chứng khoán có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá...

Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10-5-2011.

Theo Chinhphu.vn