Theo quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BGTVT (Thông tư 20) vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành, người kinh doanh vận tải hành khách phải để đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa tại những nơi dễ thấy, dễ lấy trên phương tiện.
Theo quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BGTVT (Thông tư 20) vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành, người kinh doanh vận tải hành khách phải để đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa tại những nơi dễ thấy, dễ lấy trên phương tiện.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, khi có sự thay đổi biểu đồ vận hành hoặc lịch chạy của phương tiện, người kinh doanh vận tải có nghĩa vụ thông báo tại các cảng, bến đón trả khách trước 3 ngày. Đồng thời, phải thông báo trước 12 giờ khi có thay đổi thời gian xuất bến (trừ vận tải hành khách ngang sông).
Trong thời gian ít nhất 10 phút trước khi phương tiện tới cảng, bến đón trả hành khách, thuyền trưởng phải thông báo cho khách tên cảng, bến, thời gian phương tiện lưu lại và các thông tin cần thiết khác…
Vận tải thử trên tuyến từ 3 - 6 tháng
Theo Thông tư 20, phương tiện có tính năng kỹ thuật mới lần đầu được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài có tốc độ từ 30km/h trở lên, trước khi đưa vào vận tải hành khách đường thủy nội địa phải tổ chức chạy khảo sát 1 chuyến với sự giám sát của Sở GTVT liên quan.
Thời gian vận tải thử trên tuyến là 6 tháng đối với phương tiện có tính năng kỹ thuật mới lần đầu được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài để đưa vào vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.
Đối với phương tiện đã có phương tiện cùng đặc tính kỹ thuật đang khai thác thì thời gian vận tải thử là 3 tháng.
Phân công rõ thẩm quyền chấp thuận vận tải
Theo quy định tại Quyết định 34/2004/QĐ-BGTVT, thẩm quyền xác nhận đăng ký vận tải hành khách theo tuyến cố định thuộc về Cục Đường sông Việt Nam và Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính các địa phương.
Ngày 4-12-2008, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định 27/2008/QĐ-BGTVT quy định Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam là tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.
Vì vậy, để đảm bảo sự tập trung, thống nhất các quy định, Thông tư 20 đã phân rõ trách nhiệm chấp thuận vận tải hành khách theo tuyến cố định như sau:
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận vận tải hành khách theo tuyến cố định và chấp thuận cho phương tiện vận tải hành khách chạy khảo sát, chạy thử trên tuyến đường thủy nội địa đối với tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài vận tải hành khách đường thủy nội địa qua biên giới.
Đối với tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài vận tải hành khách nội địa theo tuyến cố định không qua biên giới, việc chấp thuận này được giao cho Chi cục đường thủy nội địa khu vực.
Sở GTVT được giao chấp thuận vận tải hành khách theo tuyến cố định và chấp thuận cho phương tiên vận tải hành khách chạy khảo sát, chạy thử trên tuyến đường thủy nội địa với các tổ chức, cá nhân không có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Chinhphu.vn