12:04, 08/04/2011

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được trợ giúp đào tạo nhân lực

Theo Thông tư liên tịch 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 16-5-2011, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Theo Thông tư liên tịch 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 16-5-2011, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Phạm vi trợ giúp đào tạo sẽ tập trung vào đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp - Ảnh minh họa
Phạm vi trợ giúp đào tạo sẽ tập trung vào đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Theo đó, đối tượng được trợ giúp đào tạo là các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 3 Nghị định 56/2009/NĐ-CP, cũng như các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp.

Phạm vi trợ giúp đào tạo sẽ tập trung vào đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp, trong đó tập trung vào quản trị doanh nghiệp.

Hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hóa. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (bằng ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương); các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân tham gia đào tạo đóng góp một phần kinh phí...

Các khoản chi Nhà nước hỗ trợ và mức hỗ trợ

Theo quy định, Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng, biên soạn, bổ sung, in ấn tài liệu cơ bản và các tài liệu chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp đào tạo thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, đánh giá tác động và hiệu quả của hoạt động trợ giúp đào tạo...

Ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo thuộc nhiệm vụ của địa phương.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp với số vốn đăng ký lên hơn 2.300.000 tỷ đồng.

Ngoài 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước còn có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh thương mại.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP cả nước.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn giúp tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo; góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội… Hiện các doanh nghiệp này sử dụng trên 50% lao động xã hội.

Theo Chinhphu.vn