10:03, 06/03/2011

Mỗi cơ sở lao động phải lập bộ phận an toàn vệ sinh lao động

Cơ sở lao động có tổng số lao động tực tiếp dưới 300 người, phải bố trí ít nhất 1 cán bộ ATVSLĐ kiêm nhiệm; cơ sở có từ 300 - 1.000 người, bố trí 1 cán bộ chuyên trách. Và nếu cơ sở có tổng số lao động trực tiếp trên 1.000 người, phải thành lập Phòng hoặc Ban ATVSLĐ hoặc bố trí tối thiểu 2 cán bộ chuyên trách.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong cơ sở lao động. Theo đó, để đảm bảo an toàn cho người lao động, mỗi cơ sở lao động phải thành lập bộ phận ATVSLĐ.

Đảm bảo an toàn cho người lao động từ cơ sở - Ảnh minh họa
Đảm bảo an toàn cho người lao động từ cơ sở - Ảnh minh họa

Cụ thể, cơ sở lao động có tổng số lao động tực tiếp dưới 300 người, phải bố trí ít nhất 1 cán bộ ATVSLĐ kiêm nhiệm; cơ sở có từ 300 - 1.000 người, bố trí 1 cán bộ chuyên trách. Và nếu cơ sở có tổng số lao động trực tiếp trên 1.000 người, phải thành lập Phòng hoặc Ban ATVSLĐ hoặc bố trí tối thiểu 2 cán bộ chuyên trách.

Bộ phận ATVSLĐ có nhiệm vụ quản lý, theo dõi việc đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động; kiểm tra ATVSLĐ ít nhất 1 tháng/lần các bộ phận sản xuất và những nơi có các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Tổ chức bộ phận y tế tại cơ sở

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở lao động cũng phải bố trí thành lập bộ phận y tế tại cơ sở. Theo quy định: Cơ sở sử dụng số lao động trực tiếp từ 500 - 1.000 người thì phải có ít nhất 1 nhân viên y tế có trình độ trung học chuyên ngành y. Cơ sở có tổng số lao động trực tiếp trên 1.000 người cùng làm việc trên địa bàn, phải tổ chức trạm y tế hoặc ban y tế trong đó, có ít nhất 1 y sỹ hoặc 1 bác sỹ đa khoa.

Trong trường hợp cơ sở lao động không thành lập được bộ phận y tế, hoặc có tổng lao động trực tiếp dưới 500 người, phải có hợp đồng chăm sóc sức khỏe với cơ quan y tế địa phương như trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện.

Thành lập Hội đồng bảo hộ lao động

Cũng theo Thông tư, cơ sở lao động có tổng số lao động trực tiếp trên 1.000 người thì phải thành lập Hội đồng bảo hộ lao động (BHLĐ).

Hội đồng BHLĐ ở cơ sở là tổ chức phối hợp, tư vấn về các hoạt động ATVSLĐ ở cơ sở và để bảo đảm quyền được tham gia và kiểm tra, giám sát về công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ của tổ chức công đoàn. Hội đồng bao gồm đại diện người sử dụng lao động, đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trưởng bộ phận hoặc cán bộ ATVSLĐ. Trong đó, đại diện người sử dụng lao động làm Chủ tịch Hội đồng.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan Bảo hiểm xã hội, từ năm 2006-2009, bình quân mỗi năm có trên 5.000 người bị thương tật và 670 người chết do tai nạn lao động. Tần suất tai nạn lao động chết người tính trên tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội giảm bình quân mỗi năm 7,43% so với năm 2005.

Trong 6 tháng đầu năm 2010 trên toàn quốc đã xảy ra 2611 vụ tai nạn lao động làm 2.680 người bị nạn.

Bởi vậy, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong cơ sở lao động chính là biện pháp hiệu quả giúp giảm đáng kể tai nạn lao động có thể xảy ra.

Theo Chinhphu.vn