09:02, 25/02/2011

Cần giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5%

Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với một trong các mục tiêu là giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em (hiện tỷ lệ này là hơn 6%).

Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với một trong các mục tiêu là giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em (hiện tỷ lệ này là hơn 6%).

Đến 2015, 90% trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa sẽ được chăm sóc. Ảnh minh họa
Đến 2015, 90% trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa sẽ được chăm sóc. Ảnh minh họa

Chương trình này sẽ ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật.

Chương trình được thực hiện trong phạm vi cả nước từ năm 2011 đến năm 2015, với tổng kinh phí là 1.755,5 tỷ đồng.

80% trẻ em khuyết tật sẽ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình

Từ nay đến 2015, Chương trình phấn đấu 80% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ công cộng; 90% trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc.

Giảm hàng năm 10% số trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; 100% trẻ em được phát hiện bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em lang thang xuống 7/10.000 trẻ em;..

Để thực hiện các mục tiêu đó, Chương trình sẽ có các hoạt động như tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý cho trẻ em; trợ giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa,...; tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; trợ giúp hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho trẻ em và gia đình;...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em nước ta vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng, cụ thể năm 2001 là có khoảng 1,4 triệu em chiếm 5,5% tổng số trẻ em, năm 2010 tăng lên 1,54 triệu chiếm tỷ lệ trên 6%.

Hàng năm có từ 1.000 đến 1.400 em bị xâm hại tình dục, 2.000 đến 3.900 em bị bạo lực, 12.000 đến 18.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có khoảng 15% phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Theo kết quả nghiên cứu về nghèo trẻ em giữa Unicef và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2007 - 2008, Việt Nam có tới 28% trẻ em sống trong tình trạng nghèo vào năm 2007 dựa theo cách tiếp cận đa chiều về nghèo trẻ em bao gồm: nghèo về dinh dưỡng; nghèo về chăm sóc sức khỏe; nghèo về giáo dục; nghèo về nhà ở; nghèo về nước sạch; nghèo về vệ sinh môi trường; nghèo về vui chơi, giải trí và nghèo về bảo trợ xã hội.

Theo Chinhphu.vn