05:01, 12/01/2011

Hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn

Người đang trực tiếp thực hiện hoạt động chữ thập đỏ dũng cảm cứu người, cứu tài sản Nhà nước và nhân dân nếu bị thiệt hại về tính mạng thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ.

Người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí y tế, hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Hỗ trợ chi phí y tế, thu nhập thực tế bị mấy hoặc bị giảm sút khi người đang trực tiếp thực hiện hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe - Ảnh minh họa
Hỗ trợ chi phí y tế, thu nhập thực tế bị mấy hoặc bị giảm sút khi người đang trực tiếp thực hiện hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe - Ảnh minh họa

Đây là chính sách đối với người tham gia hoạt động chữ thập đỏ đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ.

Theo đó, người đang trực tiếp thực hiện hoạt động chữ thập đỏ dũng cảm cứu người, cứu tài sản Nhà nước và nhân dân nếu bị thiệt hại về tính mạng thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ.

Nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để được hưởng chính sách như thương binh, nếu bị thương làm giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 21% thì được hưởng trợ cấp 1 lần theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động miễn phí cho dân ở vùng đặc biệt khó khăn

Cũng theo Nghị định này, có 6 loại cơ sở phục vụ hoạt động chữ thập đỏ gồm: 1- Cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ; 2- Cơ sở khám chữa bệnh chữ thập đỏ; 3- Cơ sở hiến máu chữ thập đỏ; 4-Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ; 5- Cơ sở huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu chữ thập đỏ; 6- Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động.

Trong đó, cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập để nuôi dưỡng, phục hồi chức năng theo chế độ miễn, giảm phí đối với nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Việc tiếp nhận nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cơ sở khám chữa bệnh chữ thập đỏ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh có thu phí cho các đối tượng khác khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lập ra để khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những nơi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và những địa bàn khác khi có nhu cầu.

Lực lượng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gồm: cán bộ Hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên.

Tính đến tháng 6-2009 cả nước có: 63 tỉnh, thành Hội; 638 Quận, huyện Hội.

12.700 trường học có tổ chức Chữ thập đỏ; 16.854 Hội cơ sở.

24.142 cán bộ; 5.765.743 Hội viên; 4.293.157 thanh thiếu niên; 531.699 tình nguyện viên.

4.500 xã phường có Đội thanh niên Chữ thập đỏ xung kích.

Theo Chinhphu.vn