08:10, 29/10/2010

5 đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (hiệu lực từ ngày 1-1-2011), sẽ có 5 đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

5 đối tượng và mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng như sau:

Kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng lợi từ dịch vụ môi trường sẽ phải trả 1-2% doanh thu - Ảnh minh họa
Kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng lợi từ dịch vụ môi trường sẽ phải trả 1-2% doanh thu - Ảnh minh họa

Thứ nhất, các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế sói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện. Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở này là 20 đ/1kwh điện thương phẩm.

Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng.

Các dịch vụ môi trường rừng như: bảo vệ đất, hạn chế sói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững,...

Thứ hai, đối với cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch với mức 40đ/m3 nước thương phẩm.

Thứ ba, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng sẽ phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng tính bằng 1%-2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ.

Thứ tư, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất. Mức chi trả đối với đối tượng này sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.

Thứ năm là các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.

2 đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Chủ rừng của các khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước sẽ là những đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Việc chi trả này được thực hiện thông qua 2 hình thức là trực tiếp hoặc gián tiếp qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam hoặc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh...

Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được áp dụng thí điểm trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Hòa Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận và TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 380/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực và những bài học kinh nghiệm ban đầu. Ước tính tại các vùng rừng thí điểm, không còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và số vụ vi phạm về lâm luật (chặt, phá, đốt rừng...) đã giảm trên 50%. Bên cạnh đó là sự đồng thuận cao của các cấp, ngành, các hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo rất phấn khởi, đồng tình. Nhiều hộ dân hưởng chính sách thí điểm đã xin được nhận khoán thêm diện tích rừng để bảo vệ, phát triển.

Theo báo cáo, chỉ tính riêng trong năm 2009, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 203.335 ha và hơn 8.000 hộ bảo vệ rừng được thụ hưởng với mức bình quân 8,1-8,7 triệu đồng/năm, gần gấp 3 lần so với thu nhập nhận khoán trước đây.

Theo Chinhphu.vn