10:07, 02/07/2010

Xử lý tài sản khi dự án kết thúc

Từ ngày 1-8-2010, tài sản thuộc các chương trình, đề án, dự án (gọi chung là dự án) sử dụng vốn nhà nước, bao gồm cả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài thuộc nguồn thu NSNN, khi dự án kết thúc phải được quản lý và xử lý theo quy định do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 87/2010/TT-BTC.

Các đối tượng quy định tại Thông tư bao gồm: Tài sản phục vụ hoạt động của dự án khi dự án kết thúc (gồm cả dự án kết thúc từng phần hoặc theo từng giai đoạn thực hiện của dự án) như trụ sở làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất, bao gồm cả phần diện tích đất được giao để phục vụ công tác thi công của dự án, phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc..

Khi dự án kết thúc, tài sản phải được xử lý theo các hình thức điều chuyển, thanh lý, hoặc bán... theo quy định - Ảnh minh họa

Tài sản phục vụ hoạt động của các chuyên gia nước ngoài, các nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài khi dự án kết thúc, các chuyên gia, nhà thầu chuyển giao tài sản cho phía Việt Nam cũng là đối tượng thuộc quy định.

Ngoài ra, tài sản của dự án còn là vật tư thu hồi từ việc tháo dỡ các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia (sau đây gọi tắt là công trình kết cấu hạ tầng) cũ, khi xây dựng công trình kết cấu hạ tầng mới.

4 hình thức xử lý tài sản

Tài sản phục vụ hoạt động của dự án khi dự án kết thúc được xử lý theo 4 hình thức.

Thứ nhất, điều chuyển cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị) có nhu cầu sử dụng tài sản mà còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; điều chuyển để phục vụ hoạt động của các dự án khác.

Thứ hai, thanh lý đối với các tài sản đã vượt quá thời gian sử dụng theo chế độ mà không thể tiếp tục sử dụng; tài sản bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả; trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các trường hợp được thanh lý khác theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, bán đối với các tài sản không xử lý theo hình thức điều chuyển hoặc thanh lý như quy định trên. Việc bán tài sản được thực hiện thông qua phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ một số trường hợp đặc biệt được phép bán chỉ định.

Thứ tư, đối với diện tích đất được giao (hoặc tạm giao) để phục vụ công tác thi công dự án, sau khi hoàn thành thi công dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm trả lại UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các trường hợp xử lý tài sản được phép bán chỉ định:

- Tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để sử dụng cho mục đích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường phù hợp với quy hoạch được duyệt. Nếu có từ hai tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa thuộc các lĩnh vực nêu trên thì thực hiện đấu giá giữa các đối tượng tham gia đăng ký.

- Các trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

- Trường hợp giá trị tài sản theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng/1 đơn vị tài sản.

(Nguồn: Thông tư 87/2010/TT-BTC)

Theo Chinhphu.vn