12:06, 21/06/2010

Mở rộng thẩm quyền, tăng mức xử phạt về điện lực

Từ 1-8-2010, việc xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực được thực hiện theo quy định mới với tính chất mở rộng thẩm quyền và tăng mức xử phạt nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về điện lực.

VPPL trong lĩnh vực điện lực sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng - Ảnh minh họa

VPPL trong lĩnh vực điện lực sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng - Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, thay thế Nghị định số 74/2003/NĐ-CP; trong đó quy định đầy đủ hơn các hành vi vi phạm, mở rộng thẩm quyền và tăng mức xử phạt nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về điện lực.

Nghị định mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2010.

Bổ sung thêm 5 nhóm hành vi bị xử phạt

Trao đổi với Ths. Phạm Thị Kim Hoàn - Trưởng ban Pháp chế, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công thương, được biết, Nghị định 74/2003/NĐ-CP trước đây được ban hành khi chưa có Luật Điện lực và Luật Cạnh tranh, cho nên khi 2 bộ luật này ra đời, Nghị định trên đã bộc lộ hạn chế về phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, khi được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 3-12-2004, Luật Điện lực đã đề cập một số vấn đề như tiết kiệm điện, thị trường điện, quyền, nghĩa vụ của các bên trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong khi Nghị định 74/2003/NĐ-CP cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác về điện lực chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ.

Luật Cạnh tranh cũng được Quốc hội thông qua cùng với thời gian ban hành Luật Điện lực, quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Và việc xác định hành vi vi phạm quy định về thị trường điện, vi phạm quy định cạnh tranh trên thị trường điện, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm này cũng còn thiếu trong Nghị định 74/2003/NĐ-CP.

Vì vậy, ngoài 5 nhóm hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định 74/2003/NĐ-CP như vi phạm về giấy phép hoạt động điện lực; xây dựng, lắp đặt công trình điện; phân phối điện; vi phạm quy định về sử dụng điện; về an toàn điện, Nghị định mới (Nghị định 68/2010/NĐ-CP) bổ sung thêm 5 nhóm hành vi nữa bị xử phạt gồm: Vi phạm hoạt động phát điện; hoạt động truyền tải điện; hoạt động bán buôn, bán lẻ điện; vi phạm quy định về điều độ hệ thống điện và thị trường điện lực.

Tăng mức phạt tối đa lên 40 triệu đồng

Vẫn giữ nguyên 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, nhưng Nghị định mới tăng mức phạt tiền tối đa từ 30 lên 40 triệu đồng; mức phạt thấp nhất cũng tăng từ 50 lên 500 nghìn đồng. Mức phạt đối với từng hành vi cụ thể cũng tăng lên đáng kể.

Cụ thể, hành vi gây hư hại, tự ý dịch chuyển, làm sai lệch hệ thống đo đếm điện, thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện sẽ bị phạt từ 5-7 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với quy định cũ (từ 300-700 nghìn đồng).

Hay như hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức để phục vụ mục đích sinh hoạt, tùy vào số lượng điện trộm cắp mà mức phạt tiền áp dụng từ 1-30 triệu đồng, trong khi mức phạt cũ chỉ từ 200 nghìn đồng - 5 triệu đồng. Nếu trộm cắp điện để phục vụ mục đích khác thì mức phạt sẽ cao hơn, từ 5-40 triệu đồng.

Đối với đơn vị phân phối điện, sẽ bị phạt từ 3-4 triệu đồng nếu ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng nội dung đã thông báo (mức phạt cũ là 100-300 nghìn đồng); hoặc không tiến hành xử lý sự cố để khôi phục việc cấp điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của bên mua điện về sự cố lưới điện do bên bán điện quản lý mà không có lý do chính đáng (mức phạt cũ là 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng).

Mở rộng thẩm quyền xử phạt

Nghị định 74/2003/NĐ-CP quy định người có thẩm quyền xử phạt các vi phạm trong hoạt động điện lực bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra Điện lực, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Môi trường.

Thực tế cho thấy, số lượng chủ thể xử phạt như trên là chưa đủ và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, đối với thanh tra điện lực, đây là lực lượng có kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm trong việc phát hiện, xử lý vi phạm về điện lực, nhưng lại quá mỏng (tính đến tháng 3/2009, tổng số Thanh tra Điện lực trong toàn quốc chỉ có 53 người), chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Để khắc phục hạn chế trên, Nghị định mới đã mở rộng thẩm quyền xử phạt tới các chủ thể là: Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Cục trưởng Cục Kỹ thật an toàn và Môi trường công nghiệp. Lý do là Cục Điều tiết điện lực đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho thẩm quyền kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường điện lực; còn Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng là một nhân tố tích cực trong việc phát hiện vi phạm quy định bảo vệ an toàn lưới điện và công trình điện.

Với việc mở rộng đối tượng có quyền xử phạt như trên sẽ đảm bảo xử lý kịp thời các vi phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý, ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực điện lực.

Theo Chinhphu.vn