04:05, 20/05/2010

Tàu cá nhập khẩu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên

Trường hợp được trừ điều kiện tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (như nêu trên) là tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam không quy định tổng công suất máy chính của tàu.

Tàu cá nhập khẩu vào Việt Nam phải có nguồn gốc hợp pháp; có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên (trừ một số trường hợp cụ thể) và có trang bị công cụ khai thác, thiết bị bảo quản thủy sản tiên tiến.

Tàu cá nhập khẩu đã qua sử dụng phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục và kiểm định

Đây là điều kiện chung đối với tàu cá nhập khẩu được Chính phủ quy định tại Nghị định 52/2010/NĐ-CP ngày 17-5-2010 về nhập khẩu tàu cá. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2010.

Trường hợp được trừ điều kiện tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (như nêu trên) là tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam không quy định tổng công suất máy chính của tàu.

Đối với việc nhập khẩu tàu cá đã qua sử dụng ngoài yêu cầu phải đảm bảo các điều kiện chung, tuổi của tàu (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu) là không quá 5 tuổi đối với tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ gỗ và không quá 8 tuổi đối với tàu cá đóng bằng vật liệu vỏ thép. Máy chính của tàu (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu) không nhiều hơn 2 năm so với tuổi của tàu. Bên cạnh đó, tàu này phải được cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam kiểm tra và xác nhận tình trạng kỹ thuật và trang thiết bị phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu cá. Trường hợp có biên bản giám định tình trạng kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm nước ngoài cấp thì phải được cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam kiểm tra và xác nhận phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Nghị định này không áp dụng đối với trường hợp tàu cá Việt Nam sửa chữa tại nước ngoài về; tàu cá nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam.

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện nhập khẩu tàu cá đóng mới. Ngoài các điều kiện chung đối với tàu cá nhập khẩu, tàu cá đóng mới để được nhập khẩu phải có đầy đủ các hồ sơ: Hồ sơ xuất xưởng của cơ sở đóng tàu, lý lịch máy tàu, lý lịch các trang thiết bị lắp trên tàu cá.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền quyết định nhập khẩu đối với 5 loại tàu cá sau: Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên và có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên; tàu cá của Chính phủ hoặc các tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam; tàu cá của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của các Bộ ngành khác; tàu cá của các liên doanh với nước ngoài; tàu kiểm ngư, tàu nghiên cứu, điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản.

Điều kiện đăng ký tàu cá nhập khẩu

Nghị định nêu rõ, đăng ký tàu cá nhập khẩu có 4 điều kiện: tàu cá đã được đưa về Việt Nam; người nhập khẩu đã hoàn tất thủ tục nhập khẩu; người nhập khẩu đã nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp tàu cá được đăng ký tạm thời); tàu cá đã được cơ quan Đăng kiểm tàu cá Việt Nam có thẩm quyền cấp Sổ đăng kiểm và các Biên bản kiểm tra an toàn kỹ thuật có liên quan theo quy định.

Đăng ký tàu cá nhập khẩu có 2 loại là không thời hạn và tạm thời. Đăng ký tàu cá không thời hạn là đăng ký chính thức và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá Việt Nam, không quy định thời hạn. Còn đăng ký tạm thời là việc đăng ký chưa chính thức và được áp dụng trong trường hợp tàu cá nhập khẩu đã đưa về Việt Nam nhưng chưa nộp đủ các khoản thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời không quá 90 ngày.

(Nguồn: Nghị định số 52/2010/NĐ-CP)

Theo Chinhphu.vn