08:04, 16/04/2010

Triển khai thỏa thuận lãi suất cho vay ngắn hạn

Kể từ ngày 14-4-2010, quan hệ bên vay và bên cho vay là thuận mua vừa bán. Hai bên có thể thỏa thuận lãi suất theo từng đợt giải ngân, thời hạn vay.

Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay bằng đồng Việt Nam (VND) đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận đã được ban hành ngày 14-4-2010 và có hiệu lực thực thi ngay.

NHNN cho rằng, việc ban hành cơ chế lãi suất cho vay VND thoả thuận vào thời điểm này là rất thuận lợi vì nền kinh tế đang có chiều hướng phục hồi và tăng trưởng tốt - Ảnh minh họa

NHNN cho rằng, việc ban hành cơ chế lãi suất cho vay VND thoả thuận vào thời điểm này là rất thuận lợi vì nền kinh tế đang có chiều hướng phục hồi và tăng trưởng tốt - Ảnh minh họa

Theo đó, TCTD thực hiện cho vay bằng VND phải niêm yết công khai lãi suất cho vay ở mức hợp lý, trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay.

NHNN yêu cầu TCTD tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

TCTD cũng phải điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với mức biến động của lãi suất huy động vốn bằng VND và mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Ngoài ra, các TCTD phải báo cáo NHNN về lãi suất cho vay bằng VND theo nhu cầu vay và các văn bản của TCTD quy định về lãi suất cho vay ngay sau khi ban hành.

Với Thông tư này, chỉ đạo của Chính phủ về việc mở cơ chế thỏa thuận lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn chính thức được triển khai, sau khi cơ chế trên đã mở đối với các khoản vay trung và dài hạn trước đó.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Doãn Hữu Tuệ, việc cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với khoản vay ngắn hạn sẽ giúp thị trường cho vay minh bạch hơn, chấm dứt tình trạng bất hợp lý về cào bằng lãi suất 12%/năm nhưng lại thu phí dịch vụ tín dụng của ngân hàng đối với doanh nghiệp như trước đây. Kể từ hôm nay, quan hệ bên vay và bên cho vay là thuận mua vừa bán. Hai bên có thể thỏa thuận lãi suất theo từng đợt giải ngân, thời hạn vay.

Các quy định đã hết hiệu lực của NHNN về lãi suất cho vay bằng VND của TCTD đối với khách hàng bao gồm:

- Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26-2-2010 quy định về cho vay bằng VND theo lãi suất thỏa thuận của TCTD đối với khách hàng và các văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư này;

- Quy định về lãi suất cho vay theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16-5-2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng VND;

- Quyết định số 33/2008/QĐ-NHNN ngày 3-12-2008 về mức lãi suất cho vay bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đối với khách hàng.

Tuy nhiên một vấn đề các doanh nghiệp quan tâm là những khoản vay ngắn hạn cũ với lãi suất 12%/năm, phí dịch vụ 4%/hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho doanh nghiệp thì ngân hàng sẽ xử lý như thế nào. Đại diện lãnh đạo một ngân hàng cho biết, doanh nghiệp có thể làm lại hợp đồng với mức lãi suất vay ở thời điểm hiện nay; hoặc sau khi hết thời hạn khoản vay cũ, doanh nghiệp có quyền đề nghị ngân hàng tính toán số tiền phí và lãi suất sao cho phù hợp với mặt bằng lãi suất cho vay tại thời điểm đó.

Nhận định về thị trường sau khi cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với vay ngắn hạn, tại một cuộc họp với do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng ngân hàng sẽ không thể đưa ra mức lãi suất cao, đặc biệt khi đã có nhiều ngân hàng thương mại Nhà nước áp dụng mức lãi suất 14%/năm. Vì thế, để vốn không bị “nằm” lại, các ngân hàng đang cho vay với lãi suất từ 16%/năm trở lên sẽ phải hạ lãi suất để giữ chân khách hàng. Dự báo thị trường có thể sẽ hình thành mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 14%-15%/năm.

Theo thông tin từ NHNN, trước ngày 12-4, nhiều ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất cho vay VND dưới 14%/năm. Hiện nay, mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho vay nông nghiệp và xuất khẩu đang ở mức thấp. Ví dụ: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho vay nông nghiệp 13%/năm, xuất khẩu 12%/năm. Ngân hàng TMCP Công Thương cho vay cả hai đối tượng trên ở mức 13,5%/năm. Nhiều ngân hàng cổ phần cũng chỉ áp dụng lãi suất cho vay VND cao nhất đối với nông nghiệp và xuất khẩu ở mức 12-13,7%/năm.

NHNN cho biết việc ban hành cơ chế lãi suất cho vay VND thoả thuận vào thời điểm này là rất thuận lợi vì nền kinh tế đang có chiều hướng phục hồi và tăng trưởng tốt, tâm lý xã hội ổn định.

Theo Chinhphu.vn