04:03, 26/03/2010

Ưu tiên vốn để mua các khoản nợ, tài sản tồn đọng của DNNN

Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp tập trung ưu tiên sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng đối với khách nợ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu.

Công ty mua, bán nợ góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước- Ảnh minh họa
Công ty mua, bán nợ góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước- Ảnh minh họa

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.

Theo Thông tư, Công ty mua, bán nợ (Công ty) là pháp nhân thuộc sở hữu Nhà nước, được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty là 2.000 tỷ đồng được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp.

4 nhiệm vụ của Công ty

Thứ nhất, Công ty có nhiệm vụ mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các chủ nợ và chủ tài sản (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ).

Trong đó, Công ty tập trung ưu tiên sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng đối với khách nợ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu.

Về nguyên tắc, Công ty sẽ không xem xét mua nợ và tài sản tồn đọng đối với những trường hợp sau:

- Khoản nợ và tài sản không đủ hồ sơ pháp lý chứng minh quyền chủ nợ, quyền sở hữu.

- Phương án xử lý nợ và tài sản không khả thi hoặc khách nợ không có khả năng khôi phục sau khi thực hiện tái cơ cấu.

Nhiệm vụ thứ hai của Công ty là tiếp nhận để xử lý các khoản nợ và tài sản đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Một nhiệm vụ khác của Công ty là xử lý các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận bằng các hình thức như tổ chức đòi nợ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khác cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trong quá trình đòi nợ, Công ty được phép cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ bằng hình thức khoanh nợ, giãn nợ cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ.

Công ty cũng có nhiệm vụ tư vấn, môi giới cho các doanh nghiệp đòi nợ và xử lý các khoản nợ, tài sản tồn đọng.

(Nguồn: Thông tư 33/2010/TT-BTC)

Theo Chinhphu.vn