07:03, 19/03/2010

Cơ chế tài chính thực hiện đào tạo nguồn nhân lực Dệt may

 

Đối với các lớp đào tạo ngắn hạn (thời gian đào tạo dưới 12 tháng), ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 250.000 đồng/học viên/tháng. Các lớp đào tạo dài hạn (thời gian từ 12 tháng trở lên), mỗi học viên được hỗ trợ tối đa 2,8 triệu đồng/năm.

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện "Chương trình đào tạo nguồn nhân lực dệt may Việt Nam".

Công nhân ngành Dệt May sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo
Công nhân ngành Dệt May sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo

Chương trình trên bao gồm các lớp đào tạo về kiến thức liên quan tới ngành Dệt May cho cán bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật, cán bộ pháp chế của các doanh nghiệp thuộc Ngành; các lớp đào tạo về thiết kế thời trang, phân tích vải, kỹ năng quản lý sản xuất, kỹ năng bán hàng chuyên ngành Dệt May. Bên cạnh đó, chương trình còn mở các lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề của các dự án dệt, nhuộm trọng điểm và các lớp đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, công nhân chuyên ngành Dệt May.

Theo Thông tư, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho các trường chuyên nghiệp thuộc ngành Dệt may để tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực Dệt May theo quy định. Ngoài ra, sẽ huy động nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nguồn đóng góp của doanh nghiệp cử cán bộ, công nhân tham gia các lớp đào tạo.

Đối với các lớp đào tạo ngắn hạn (thời gian đào tạo dưới 12 tháng), ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 250.000 đồng/học viên/tháng. Các lớp đào tạo dài hạn (thời gian từ 12 tháng trở lên), mỗi học viên được hỗ trợ tối đa 2,8 triệu đồng/năm.

Các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo tại nước ngoài và chương trình liên kết đào tạo tại nước ngoài thì doanh nghiệp và người đi học có trách nhiệm đóng góp kinh phí đào tạo. Mức đóng góp tối thiểu của người học bằng 30% chi phí đào tạo.

Thông tư cũng quy định, ngoài khoản hỗ trợ theo số học viên, hàng năm, tùy tình hình cân đối ngân sách, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các trường đào tạo chuyên nghiệp của ngành Dệt May Việt Nam để nâng cấp cơ sở vật chất là giảng đường, phòng thực nghiệm, xưởng thực hành, mua sắm trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho việc đào tạo cán bộ quản lý kinh tế - kỹ thuật, công nhân chuyên ngành Dệt May.

(Nguồn: Thông tư 32/2010/TT-BTC)

Theo Chinhphu.vn