08:02, 25/02/2010

Giải quyết thủ tục hành chính vào thứ 7 theo nhu cầu của dân

Thay vì làm thêm thứ 7 để giải quyết 14 loại thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định cũ đã triển khai 2 năm qua, từ tháng 4-2010, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, UBND địa phương sẽ được chủ động lựa chọn các TTHC và địa bàn cần tiếp nhận, giải quyết thêm trong ngày thứ 7 cho dân và doanh nghiệp.

Một người dân đến sao y, chứng thực các loại văn bằng tại UBND phường 5, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh vào sáng thứ bảy
Một người dân đến sao y, chứng thực các loại văn bằng tại UBND phường 5, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh vào sáng thứ bảy

Quyết định về việc tổ chức làm việc vào ngày thứ 7 hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết TTHC được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành nêu rõ nội dung "Căn cứ nhu cầu thực tế của công dân, tổ chức và điều kiện của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định lựa chọn các TTHC, cơ quan, đơn vị và địa bàn cần tổ chức làm việc nửa ngày hoặc cả ngày thứ bảy hàng tuần (trừ ngày lễ, ngày tết và ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật) để tiếp nhận và giải quyết TTHC".

Quyết sách phù hợp với thực tiễn

Trao đổi với ông Nguyễn Nguyên Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ Văn phòng Chính phủ, ông cho biết, quyết sách mới nhất của Thủ tướng chỉ đạo về việc tổ chức làm việc ngày thứ 7 để giải quyết TTHC cho dân đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay, khi mà số lượng cũng như nhu cầu giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức là rất khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương. Đó là chưa kể phải cân đối các yếu tố về biên chế, thời gian, ngân sách... của cơ quan hành chính đó khi tổ chức làm thêm giờ ngày thứ 7.

Kết quả khảo sát phản ánh thực trạng nhu cầu giải quyết TTHC của người dân ở mỗi địa phương khá khác nhau, có TTHC ở Hà Nội, hay TP. Hồ Chí Minh giải quyết trong thứ 7 là rất đông, trong khi ở các địa phương khác lại không có nhiều, thậm chí có sự chênh lệch về lượng dân đến giải quyết TTHC ngay trong cùng 1 địa phương.

Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyên Dũng đưa ra số liệu, tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2009, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố đã tiếp nhận 168.001 đề nghị, UBND cấp quận, huyện và UBND cấp xã tiếp nhận 99.434 đề nghị giải quyết TTHC. Còn thống kê 1 năm tổ chức làm việc ngày thứ 7 tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy ở cấp thành phố, trung bình số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trong sáng thứ 7 dao động từ 1 - 15% só với ngày làm việc bình thường. Các thủ tục như công chứng, thông quan hàng tại cửa khẩu, chứng minh nhân dân, đăng ký hộ khẩu có số lượng người dân và doanh nghiệp đến liên hệ khá cao nhưng cũng không nhiều so với ngày thường và đang có xu hướng giảm so với thời gian đầu triển khai thực hiện. Tại cấp quận, huyện, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại 21 UBND cấp quận chỉ đạt 5,23% so với ngày bình thường, cấp xã đạt khoảng 14,4%. Trong khi, ở các địa phương khác, như tại Bắc Kạn, số giao dịch tại cấp xã không có nên nhiều xã đã không tiếp tục làm việc ngày thứ 7. Tại Thừa Thiên Huế, một số Sở Xây dựng, Ngoại vụ, Ban Quản lý các khu công nghiệp... cũng không có nhiều giao dịch.

 

Người dân có thể hy vọng phương thức giải quyết TTHC mới chỉ bằng một click nhấp chuột, thay vì phải xếp hàng và mất thời gian chờ đợi giải quyết như hiện nay
Người dân có thể hy vọng phương thức giải quyết TTHC mới chỉ bằng một click nhấp chuột, thay vì phải xếp hàng và mất thời gian chờ đợi giải quyết như hiện nay

Về lựa chọn đơn vị, địa bàn cần tổ chức làm thêm giờ ngày thứ 7, ông Nguyễn Đình Hào, Thành viên ban dự thảo quy định làm thêm vào ngày thứ 7 cho hay, mặc dù trong danh sách trước đây gồm 14 TTHC được tiếp nhận, giải quyết vào thứ 7 không có thủ tục liên quan đến Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên, Bộ này vẫn tổ chức làm việc ngày thứ 7 để giải quyết các thủ tục liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ; tính đến ngày 22/6/2009, Cục đã tiếp nhận và xử lý 430 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và 2.356 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Hay như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cho 2 đơn vị (Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y) làm việc thứ 7 để giải quyết TTHC. Kết quả 6 tháng đầu năm 2009, ngành Bảo vệ thực vật đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho 9.105 hồ sơ, ngành Thú y kiểm dịch 52.569 tấn động vật, sản phẩm động vật trên cạn và 29.157 tấn thủy sản.

... đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí

"Chính bởi vậy, thay cho quy định cũ (Quyết định 127/2007/QĐ-TTg) là hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức làm việc vào các ngày thứ 7, thì quyết định mới của Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, UBND địa phương được quyết định lựa chọn các TTHC giải quyết thêm vào thứ 7 nếu xét thấy nhu cầu của người dân nhiều. Cũng căn cứ vào nhu cầu thực tế của dân và điều kiện của cơ quan hành chính nhà nước, Thủ trưởng cơ quan đó quyết định lựa chọn cả đơn vị, địa bàn và cả thời gian làm thêm có thể là nửa ngày hoặc trọn 1 ngày thứ 7", ông Nguyễn Nguyên Dũng phân tích.

Rõ ràng là, việc cho phép lựa chọn, xác định TTHC, chọn đơn vị thực hiện trong ngày thứ 7 đảm bảo hợp lý, sát thực tế nhu cầu của người dân được xem là biện pháp cơ bản nhất để đáp ứng 2 yêu cầu đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí ngân sách, đồng thời tránh thực hiện trên diện rộng một cách hình thức.

Đó là chưa kể trong giai đoạn tiếp theo, khi cải cách hành chính với kết quả quan trọng của Đề án 30, người dân hy vọng với phương thức giải quyết TTHC hoàn toàn cải cách, công dân có thể trực tiếp nộp hồ sơ giải quyết TTHC thông qua Internet và chỉ cần 1 lần đến cơ quan đối chiếu hồ sơ gốc và nhận kết quả.

Theo Chinhphu.vn