10:01, 06/01/2010

Tập trung đào tạo nghề cho người nghèo ở 62 huyện nghèo

Thành lập và tập trung đầu tư trung tâm dạy nghề ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong năm 2010.

Thanh niên nông thôn cần được học nghề bài bản để thoát nghèo - Ảnh: Chinhphu.vn
Thanh niên nông thôn cần được học nghề bài bản để thoát nghèo - Ảnh: Chinhphu.vn

Năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch dạy nghề 5 năm (2006-2010) và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010. Đây chính là năm “nước rút” để hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động huyện nghèo.

Đào tạo nghề cho người nghèo theo địa chỉ

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng, lao động huyện nghèo có điểm mạnh là cần cù nhưng vẫn còn xa lạ với khái niệm học nghề, chủ yếu gắn với đồng ruộng và sản xuất theo kinh nghiệm.

Để lao động huyện nghèo tiếp cận được với nghề, cần phát triển và hoạt động hiệu quả hoạt động của các trung tâm dạy nghề thuộc các huyện, các trường trung cấp nghề thủ công ở các tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, các cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, dịch vụ, hợp tác xã, trang trại, nông lâm trường, vùng chuyên canh... để đào tạo người nghèo được học nghề theo địa chỉ.

Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề cần chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang dạy theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Người nghèo cần được đào tạo nghề theo vị trí làm việc, địa chỉ sử dụng.

Dạy nghề cần gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành, từng địa phương. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; phát triển mạnh đào tạo nghề tại doanh nghiệp là giải pháp để tránh tình trạng “học nghề xong để đấy”.

Tăng tỉ lệ lao động được đào tạo nghề lên 30%

Theo kế hoạch của Tổng cục Dạy nghề, năm 2010 sẽ có 1.748.000 lao động được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, trong đó, đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề là 360.400 người. Lao động được học nghề tăng 17% so với năm 2009, nâng tỷ lệ người qua đào tạo nghề lên 30%.

Giai đoạn 2011-2020 được xác định sẽ có đột phá về chất lượng và tăng tốc phát triển dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển, bảo đảm các điều kiện để kiểm soát chất lượng dạy nghề.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các trường cao đẳng, trung cấp nghề có năng lực đào tạo một số nghề đạt chuẩn quốc gia sẽ được tập trung đầu tư phát triển.

Mỗi tỉnh sẽ có một trường có năng lực đào tạo ít nhất 2 nghề đạt chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu của thị trường lao động của địa phương, nhất là các tỉnh ở vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc.

Tập trung đầu tư 3 trường cao đẳng nghề tiếp cận trình độ dạy nghề tiên tiến của các nước Đông Nam Á, 106 trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề được hỗ trợ đầu tư từ Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” trong giai đoạn 2006-2010.

Để gắn kết với doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề sẽ thành lập bộ phận (phòng/trung tâm) liên hệ thường xuyên, nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp, huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, giảng dạy, thực tập sản xuất và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo cho người học nghề xong có việc làm, hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ được mở rộng.

Theo Chinhphu.vn