07:12, 25/12/2009

Tăng mức chi trả học phí đào tạo sinh viên cử tuyển

Mức giới hạn học phí cao nhất mà các địa phương sẽ chi trả cho các cơ sở đào tạo ở các cấp học đều tăng lên, cụ thể mức học phí đào tạo nghề sẽ là 160.000 đồng, trung cấp chuyên nghiệp là 135.000đ, cao đẳng là 200.000đ, đại học là 240.000đ.

Bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, các địa phương sẽ tăng mức chi trả học phí đào tạo hệ sinh viên cử tuyển cho tất cả các cơ sở đào tạo nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 35.000-50.000đ/1tháng/học sinh.

Năm học 2009-2010, thay đổi mức chi trả học phí đào tạo hệ sinh viên cử tuyển
Năm học 2009-2010, thay đổi mức chi trả học phí đào tạo hệ sinh viên cử tuyển

Đây là hướng dẫn mới về thanh toán hợp đồng cử tuyển vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biển đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp

Theo đó, mức giới hạn học phí cao nhất mà các địa phương sẽ chi trả cho các cơ sở đào tạo ở các cấp học đều tăng lên, cụ thể mức học phí đào tạo nghề sẽ là 160.000 đồng (thay mức 120.000đ), trung cấp chuyên nghiệp là 135.000 (thay mức 100.00đ), cao đẳng là 200.000đ (thay mức 160.000đ), đại học là 240.000 (thay mức 160.000đ).

Việc hỗ trợ kinh phí đào tạo sinh viên cử tuyển một mặt nằm trong lộ trình thay đổi khung học phí của ngành giáo dục quốc dân, đồng thời thể hiện sự ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ công chức ở các vùng sâu vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền và dân tộc.

Theo quy định từ ngày 1/1/2008, UBND cấp tỉnh thực hiện chi trả kinh phí đào tạo cử tuyển (bao gồm cả học bổng chính sách, trợ cấp tiền ăn ở, đi lại và tiền học phí của người học theo chế độ cử tuyển)… trên cơ sở hợp đồng đào tạo giữa UBND cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục. Chỉ tiêu đào tạo cử tuyển được xác định trong chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy.

Kết quả sau gần 10 năm thực hiện chế độ cử tuyển theo luật (1999-2000)cho thấy, nhờ nguồn cán bộ được đào tạo từ chế độ cử tuyển, các địa phương đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ, một số dân tộc đã hình thành được đội ngũ cán bộ, trí thức của dân tộc mình.

Hầu hết số học sinh sinh viên cử tuyển khi ra trường được bố trí công tác, nhiều người trở thành lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.

Nguồn: Công văn 10837/BGDĐT-KHTC)

Theo Chinhphu.vn