08:12, 31/12/2009

Quy định mới về quản lý hoạt động thương mại biên giới

Kể từ ngày 1-3-2010, một số quy định mới của Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới sẽ có hiệu lực thi hành.

Phương tiện chờ làm thủ tục XNK hàng hoá tại cửa khẩu Ka Long (Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)
Phương tiện chờ làm thủ tục XNK hàng hoá tại cửa khẩu Ka Long (Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 7-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

Theo đó, hoạt động thương mại biên giới gồm: Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới; buôn bán tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới theo các phương thức được thoả thuận trong Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.

Về chính sách thuế, hàng hoá thương mại biên giới phải được nộp thuế và các lệ phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng hoá qua biên giới theo các thoả thuận song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước có chung biên giới.

Điểm mới là riêng hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua, bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới được sản xuất từ nước có chung biên giới (phù hợp Danh mục hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố trong từng thời kỳ sau khi đã bàn thống nhất với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan) được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/1 người/1 ngày/1 lượt (quy định cũ là mức 2 triệu đồng/1 người/1 ngày).

Quy định về cửa khẩu phụ cũng được sửa đổi cho phù hợp. Theo đó, cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện, hàng hóa Việt Nam và nước có chung biên giới qua lại biên giới quốc gia theo quy định của cấp có thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam.

Có Ban Chỉ đạo thương mại biên giới

Quyết định cũng quy định cụ thể hơn về Ban Chỉ đạo thương mại biên giới (BCĐ) do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, 1 Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách lĩnh vực thương mại biên giới làm Phó Trưởng ban thường trực. Các ủy viên gồm 1 Thứ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới.

Các thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. BCĐ được sử dụng con dấu của Bộ Công Thương. Trưởng BCĐ bàn thống nhất với các Ủy viên ban hành Quy chế hoạt động của Ban và nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban.

Kinh phí hoạt động của BCĐ do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Công Thương.

Theo báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động thương mại biên giới 9 tháng năm 2009 của Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thương mại biên giới, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua biên giới với các nước có chung biên giới trong những tháng đầu năm 2009, nhìn chung đều giảm mạnh. Cụ thể: với Trung Quốc, kim ngạch XNK hai chiều 6 tháng đầu năm đạt 1.243,99 triệu USD, giảm khoảng 58,98% so với cùng kỳ năm 2008, chiếm khoảng 14% tỷ trọng tổng kim ngạch XNK Việt Nam - Trung Quốc (8.826 triệu USD); với Lào, kim ngạch XNK hai chiều đạt 196 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó xuất khẩu đạt 86 triệu, tăng 17,81%, nhập khẩu đạt 110 triệu USD, giảm 27,15% so với cùng kỳ; với Campuchia, kim ngạch XNK đạt 382,73 triệu USD, giảm 16,44 % so với cùng kỳ…

Hiện còn một số tồn tại, khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của hoạt động thương mại biên giới, đáng chú ý là vấn đề cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa kịp thời, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương chưa thường xuyên chặt chẽ; việc phân cấp cho địa phương chưa mạnh; chưa đầu tư thích đáng cho việc nâng cấp về cơ sở vật chất đối với các cửa khẩu biên giới; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, bến bãi, vận tải, giao nhận hàng hoá rất yếu kém không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiêp.

(Nguồn: Quyết định 139/2009/QĐ-TTg)

Theo Chinhphu.vn