03:12, 09/12/2009

Địa phương chịu trách nhiệm về trật tự ATGT đường thủy nội địa

Các biện pháp lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương sẽ được thực hiện theo hướng tự chịu trách nhiệm để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa của UBND các cấp.

Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương theo hướng tự chịu trách nhiệm để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa của UBND các cấp.

Chú ý việc sắp xếp cảng, bến thủy nội địa, quy hoạch các khu khai thác cát, sỏi

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải thủy nội địa, chú ý việc sắp xếp cảng, bến thủy nội địa; quy hoạch các khu khai thác cát, sỏi, khoáng sản, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, họp chợ, làng chài, làng nghề trên đường thủy nội địa. Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý phương tiện thủy không phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Tuần tra kiểm soát an toàn giao thông đường thủy nội địa.

 

Hiện nay, còn tồn tại nhiều cảng, bến thủy nội địa mở không theo quy hoạch nên báo hiệu giao thông chưa đầy đủ, không có cầu neo đậu tàu, thuyền, thiết bị bốc xếp hàng hoá lạc hậu, không đủ điều kiện an toàn vẫn hoạt động, chưa được ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Theo thống kê, hiện bến chở khách ngang sông trên cả nước không có giấy phép chiếm trên 50%.

Đồng thời, tình hình vi phạm luồng, hành lang bảo vệ luồng chạy tàu, thuyền, họp chợ; phương tiện không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở hàng hoá quá tải, không đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên và lái phương tiện không bằng… diễn biến phức tạp.

Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quy hoạch phát triển giao thông thủy phải có các cơ chế cụ thể, phù hợp để khuyến khích đầu tư xây dựng bến khách, trang bị phương tiện bảo đảm điều kiện an toàn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; kêu gọi, tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh để cấp cho người hoạt động trên phương tiện thủy, đặc biệt ưu tiên cho các cháu học sinh thường xuyên đi đến trường bằng phương tiện thủy.

Các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đã ban hành để bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, như quy định về hành lang bảo vệ luồng chạy tầu, thuyền, đăng ký, đăng kiểm phương tiện; quy định về đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy; quy định về cấp phép và quản lý cảng, bến thủy nội địa; quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng vừa thực hiện tốt công tác quản lý vừa giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các chủ thể chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Bộ Công an cần khẩn trương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 1799/QĐ-TTg ngày 10/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Tăng cường biên chế, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo, chế độ chính sách cho lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy ở Bộ Công an và các tỉnh, thành phố Nam bộ" (giai đoạn 2009-2013) nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy

Hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của chủ cảng, bến, phương tiện, người lái phương tiện và nhân dân khi tham gia giao thông còn hạn chế, chưa hiểu biết các quy định về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương thường xuyên phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tổ chức triển khai thực hiện chuyên mục thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Đồng thời, trước tình hình khai thác nuôi trồng đánh bắt thủy sản, khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở, cản trở hoạt động giao vận tải đường thủy nội địa, sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản trên các tuyến giao thông đường thủy, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các cấp, các đơn vị của ngành công an, giao thông vận tải kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trên đường thủy, xử lý các hành vi sử dụng chất nổ, sung điện đánh bắt thủy sản hủy hoại môi sinh, môi trường.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo dõi và đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện, nếu phát hiện những khó khăn vướng mắc, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, trung bình mỗi năm toàn quốc xảy ra khoảng 300 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết hơn 250 người, hơn 100 người bị thương, thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, tai nạn do phương tiện chở khách, chở người gây ra tuy số vụ không nhiều nhưng hầu hết là số vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người…

Từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 110 người, bị thương 10 người, chìm, hư hỏng 99 phương tiện thủy các loại và thiệt hại về tài sản, hàng hóa chở trên phương tiện, ước tính 3,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2008, giảm 64 vụ (giảm 40%), nhưng tăng 7 người chết (tăng 6,8%), giảm 12 người bị thương (giảm 54,5%).

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, nguyên nhân xảy ra tai nạn hầu hết là do vi phạm quy tắc tránh vượt 67 vụ (69%), đâm va chướng ngại vật 16 vụ (16,5%), phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật 8 vụ (8,25%), chở quá sức chở người theo quy định 6 vụ (6,18%).

(Nguồn: Công văn 8688/VPCP-KTN)

Theo Chinhphu.vn