03:11, 16/11/2009

Thời hạn Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm không quá 12 tháng

Phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm (HNH) và phía ngoài của mỗi kiện hàng, thùng chứa HNH đều phải dán biểu trưng nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có xếp nhiều loại hàng khác nhau thì phía ngoài phương tiện cũng phải dán đầy đủ biểu trưng của các loại hàng đó.

Nghị định quy định danh mục HNH và vận chuyển HNH bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vừa được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 31-12-2009. Theo đó, tùy thuộc tính chất hóa, lý, HNH được phân thành 9 loại và nhóm loại.

Gas cũng là một trong những loại HNH
Gas cũng là một trong những loại HNH

Việc đóng gói HNH trong lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Những loại hàng, nhóm hàng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì thực hiện theo quy định của các Bộ quản lý ngành. Các bao bì, thùng chứa HNH chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết HNH cũng được coi là HNH tương ứng.

Khi đóng gói HNH, phía ngoài mỗi kiện hàng, thùng chứa đều có dán biểu trưng nguy hiểm. Báo hiệu nguy hiểm hình chữ nhật màu vàng cam, ở giữa có ghi số UN (mã số Liên hợp quốc). Vị trí dán báo hiệu nguy hiểm ở bên dưới biểu trưng nguy hiểm.

Đối với người lao động khi tham gia vận chuyển HNH phải được huấn luyện và được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện về loại HNH mà mình vận chuyển. Tương tự như vậy, người thủ kho, người áp tải HNH bắt buộc phải được huấn luyện về loại HNH do mình áp tải hoặc lưu kho bãi. Nghiêm cấm việc sử dụng phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc không đủ điều kiện vận chuyển HNH để vận chuyển HNH. Phương tiện vận chuyển HNH phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng đang vận chuyển và phải được làm sạch, bóc biểu trưng nguy hiểm đi sau khi đã giao hết hàng.

Mẫu giấy phép vận chuyển HNH, báo hiệu nguy hiểm do các Bộ có thẩm quyền cấp quản lý và phát hành. Thời hạn Giấy phép vận chuyển HNH cấp theo từng chuyến hàng hoặc từng thời kỳ nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày cấp.

HNH được phân thành 9 loại và nhóm loại sau: Loại 1 gồm các chất nổ, các chất và vật liệu nổ công nghiệp; loại 2 gồm khí ga dễ cháy, khí ga không dễ cháy, không độc hại, khí ga độc hại; loại 3 là các chất lỏng dễ cháy và các chất nổ lỏng khử nhậy; loại 4 là các chất đặc dễ cháy, các chất tự phản ứng và các chất nổ đặc khử nhậy, các chất dễ tự bốc cháy, các chất khi gặp nước phát ra khí ga dễ cháy; loại 5 là các chất ôxi hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ; loại 6 là các chất độc hại, các chất lây nhiễm; loại 7 là các chất phóng xạ; loại 8 là các chất ăn mòn và loại 9 là các chất và HNH khác.

(Nguồn: Nghị định số 104/2009/NĐ-CP)

Theo Chinhphu.vn