05:11, 15/11/2009

Người tìm việc có thêm cơ hội

Theo Báo cáo thông số nhân lực trực tuyến quý III/2009 của VietnamWorks.com, nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến, thị trường lao động trực tuyến có dấu hiệu hồi phục nhờ chỉ số cầu nhân lực gia tăng.

 

Giảm bớt áp lực cho người tìm việc

Về cung nhân lực trực tuyến (người tìm việc qua mạng), nông-lâm nghiệp cũng là ngành có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 20% so với quý II/2009. Trong khi đó, cung nhân lực ngành xây dựng giảm nhiều nhất (13,9%) so với quý II/2009. Chỉ số cung nhân lực trực tuyến quý III/2009 giảm nhẹ ở mức 2,8% so với quý II/2009. Việc giảm này có thể do tình hình nhảy việc trên thị trường lao động đã chững lại.

Thị trường lao động trực tuyến trong quý III/2009 có dấu hiệu hồi phục nhờ chỉ số cầu nhân lực gia tăng
Thị trường lao động trực tuyến trong quý III/2009 có dấu hiệu hồi phục nhờ chỉ số cầu nhân lực gia tăng

Chỉ số cầu nhân lực trực tuyến ( nhu cầu tuyển người qua mạng) quý III/2009 tăng 11,4% so với quý II/2009 và tăng 52,4% so với quý đầu năm 2009. Chỉ số cầu nhân lực trực tuyến của 24/50 ngành nghề tăng, 21 ngành nghề khác không thay đổi và 5 ngành nghề còn lại giảm. Trong đó, cầu ngành nông-lâm nghiệp tăng cao nhất (100% so với quý II/2009), ngược lại, ngành dệt may giảm nhiều nhất (25%) so với quý trước.

Sự gia tăng chỉ số cầu nhân lực trực tuyến trong hai quý liên tiếp trong năm 2009, cùng với sự sụt giảm của cung nhân lực trực tuyến, đã giúp rút ngắn khoảng cách nhân lực và làm giảm bớt áp lực đối với người tìm việc.

Hà Nội hấp dẫn nhất về cơ hội nghề nghiệp

Trong quý III, ngành bán hàng có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất, tăng 12,5% so với quý II/2009. Các ngành tiếp theo, gồm: Kế toán/tài chính, kỹ thuật ứng dụng, hành chính/thư ký và công nghệ thông tin-phần mềm. Công nghệ thông tin-phần mềm có chỉ số cầu không thay đổi, nhu cầu nhân lực trong 4 ngành còn lại tăng so với quý II/2009.

Trong khi đó, ở nhóm 5 ngành nghề có chỉ số cung cao nhất, tất cả đều không tăng. Trừ hành chính/thư ký có chỉ số cung không đổi, các ngành còn lại như kế toán/tài chính, ngân hàng/đầu tư, kỹ thuật ứng dụng và nhân sự đều tăng trưởng âm.

Theo lãnh thổ, chỉ số cầu ở phần lớn các địa phương đều tăng so với quý trước. Hà Nội là thành phố hấp dẫn nhất về cơ hội nghề nghiệp, có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất, tăng 7,5% so với quý trước và tăng 56,7% so với quý I/2009. Xếp thứ hai là TP.Hồ Chí Minh (tăng 13,2%), tiếp đến là Bình Dương, Hải Dương và Đà Nẵng.

Theo Chinhphu.vn